Vườn sầu riêng cổ thụ mang lại thu nhập 3,5 tỷ đồng/năm

Google News

Tại thôn Liên Hồ, xã Liên Hà (Lâm Hà, Lâm Đồng) có một vườn sầu riêng cổ thụ đã góp phần vào thay đổi cơ cấu cây trồng của người nông dân trong vùng.

Gia đình ông, bà Phạm Văn Nghĩa - Lê Thị Nhiều vào định cư tại thôn Liên Hồ, xã Liên Hà vào năm 2011. Ông Nghĩa kể lại, lúc đó, toàn thôn Liên Hồ bà con gần như độc canh cây cà phê thì mảnh đất của ông bà mua vốn có sẵn 100 cây sầu riêng đã trưởng thành, cây rất to, rợp bóng.
Vuon sau rieng co thu mang lai thu nhap 3,5 ty dong/nam
 Ông Phạm Văn Nghĩa bên vườn sầu riêng đang ra hoa
Ông Nghĩa cũng cho biết, khi mua đất, ông bà cũng không hỏi kỹ tuổi của cây sầu riêng nhưng lúc đó, vườn sầu riêng đã rất to, cao và cho quả hằng năm. Với 2,3 ha, 100 cây sầu riêng khi đó còn khá thưa bóng. Vì vậy, ông bà quyết định trồng thêm 150 cây sầu riêng, cũng giống Thái Dona như các cây sầu riêng đang có sẵn.
“Điều rất may mắn là những cây sầu riêng lớn được trồng sẵn cũng thuộc giống sầu riêng chuẩn, giống Dona, giống được các nhà khoa học nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên canh tác.
Vì vậy, vườn sầu riêng nhà tôi dù cây mới hay cây cũ đều trồng thuần giống, mang lại hiệu quả rất tốt vì kỹ thuật chăm sóc giống nhau, chất lượng trái sầu riêng cũng đồng nhất. Sau khi 150 cây trồng sau cho trái, cả vườn sầu riêng đạt 250 cây đều cùng một giống” - ông Phạm Văn Nghĩa đánh giá.
Chính từ kinh nghiệm của bản thân, ông Nghĩa khẳng định, khi trồng sầu riêng, quan trọng nhất là người nông dân phải chọn được giống chuẩn. Bởi, 100 cây sầu riêng lâu năm của gia đình ông do trồng giống chuẩn nên tới tận bây giờ, chất lượng của trái càng ngày càng ngon, được thị trường ưa chuộng.
Ông Phạm Văn Nghĩa chia sẻ thêm về canh tác sầu riêng, bắt đầu từ người không có kinh nghiệm về trồng sầu riêng, chỉ thu hoạch trái từ những cây trưởng thành có sẵn, ông bà đã học từ từ, tìm hiểu các kỹ thuật chăm sóc sầu riêng trưởng thành và sầu riêng giai đoạn kiến thiết cơ bản.
Ông Nghĩa nhận xét, cây sầu riêng khó chăm sóc tại giai đoạn mới trồng, giai đoạn kiến thiết, sau khi cây đã trưởng thành, việc chăm sóc nhàn hơn rất nhiều.
Trồng sầu riêng đặc biệt chú ý tới chế độ nước bởi chế độ nước ảnh hưởng rất lớn tới việc ra hoa, đậu quả. Với những cây trên 10, 12 năm tuổi, chế độ chăm sóc rất nhàn, chủ yếu quan tâm tới lượng phân hữu cơ, lượng thuốc dưỡng cây, thuốc bảo vệ thực vật.
“Bà con trồng sầu riêng không phải lúc nào cũng chờ đợi giá cao đỉnh như năm 2023. Với vườn sầu riêng này, gia đình tôi từng có thời điểm chịu giá chỉ có 6.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, đất Liên Hồ, Liên Hà là mảnh đất khá đặc biệt khi mùa sầu riêng tại đây thu hoạch rất muộn, muộn hơn hầu hết các vùng trồng sầu riêng trong tỉnh Lâm Đồng. Tôi nghĩ rằng, đây là một thế mạnh để bà con Liên Hà có thể phát triển cây sầu riêng” - ông Phạm Văn Nghĩa chia sẻ.
Mùa thu hoạch sầu riêng 2023, gia đình ông, bà thu được 70 tấn trái với giá trị 3,5 tỷ đồng. Ông Nghĩa đánh giá, với hiện trạng nông nghiệp địa phương, không có giống cây trồng nào có giá trị cao như sầu riêng.
Khu vườn trồng sầu riêng cao tuổi của ông bà Phạm Văn Nghĩa - Lê Thị Nhiều cũng là khu vườn mang lại ý nghĩa rất tích cực với nông dân thôn Liên Hồ.
Bắt đầu từ việc chỉ quen trồng cây cà phê, loại cây công nghiệp nhanh cho thu, người Liên Hồ đã nhận thấy cây sầu riêng có thể sống được, phát triển tốt tại đất địa phương. Đồng thời, cùng với giá cả ổn định của thị trường sầu riêng, người Liên Hồ đã thay đổi, chuyển sang canh tác cây sầu riêng với diện tích khá nhiều.
Hiện tại, 20 nông hộ trong thôn Liên Hồ đã hình thành Tổ hợp tác trồng sầu riêng với mục tiêu xây dựng mã số vùng trồng, hướng tới xuất khẩu. Mảnh vườn sầu riêng cổ thụ của gia đình ông Phạm Văn Nghĩa đã mang lại cho bà con niềm tin rất lớn.
Bác Nguyễn Văn Dân, nông dân thôn Liên Hồ, thành viên của tổ hợp tác cũng chia sẻ, gia đình ông Nghĩa thành công từ cây sầu riêng cũng góp phần thúc đẩy gia đình bác mạnh dạn chuyển đổi diện tích cà phê sang trồng sầu riêng.
Khu vườn trĩu trái mỗi năm giúp người nông dân khẳng định cây sầu riêng có thể sống tốt tại địa phương, bà con mạnh dạn trục cà phê để xuống giống sầu riêng.
Và tới mùa vụ năm 2024, hầu hết sầu riêng của nông dân trong thôn đã bắt đầu cho thu hoạch, mở ra thêm một nguồn thu nhập rất tốt với người nông dân.
Cùng với những nông dân khác, gia đình ông bà Phạm Văn Nghĩa - Lê Thị Nhiều cũng đang tích cực tìm hiểu nội dung xây dựng mã số vùng trồng, tích cực đoàn kết, chia sẻ thông tin để bà con trong tổ hợp tác canh tác sầu riêng ổn định, hình thành vùng trồng an toàn, trồng được trái sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại nguồn thu ổn định cho người nông dân thôn Liên Hồ.

Theo Báo Lâm Đồng