Cách đây 5 năm, khi kinh doanh nhà hàng tại TP HCM, chị Uyên Nguyễn vô tình "bén duyên" với sen đá. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, công việc kinh doanh tạm thời "đóng băng", chị Uyên có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, tìm hiểu về loại thực vật này.
Chị Uyên cho biết, từ khoảng 10 năm trước, chị đã bắt tay vào cải tạo và thực hiện khu vườn bao quanh nhà, xuất phát từ tình yêu thiên nhiên và lối sống xanh, sạch.
Giai đoạn đó, nữ gia chủ trồng đủ các loại cây xanh như lộc vừng, nguyệt quế, phát tài, các loại cây dây leo,... đặc biệt là cây ăn trái (ổi, xoài, mận, mướp…).
|
Các loại chậu trồng sen cũng được chị Uyên đầu tư, sưu tầm đa dạng với đủ loại mẫu mã, màu sắc bắt mắt.
|
Không chỉ cung cấp thực phẩm sạch, khu vườn còn trở thành chốn bình yên để các thành viên thư giãn, giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống.
Khi biết đến sen đá, chị quyết định làm mới khu vườn, chinh phục thêm loài thực vật nhỏ xinh, đẹp mắt. Chị dành hẳn một góc riêng trong khu vườn rộng 500m2 của gia đình để thiết kế vườn sen đá theo ý thích.
Người phụ nữ này tiết lộ, trong vườn có gần 700 chậu sen đá khác nhau. Chị không sưu tầm các loại sen ngoại như Hàn, Nhật, Thái mà chủ yếu trồng, chăm sóc sen Đà Lạt. Loại sen đá này khá phổ thông, dễ trồng dễ chăm và chi phí không quá đắt đỏ.
Theo kinh nghiệm của chị Uyên, trong quá trình chăm sóc sen đá, việc giữ cho rễ cây thông thoáng là quan trọng nhất, còn việc tưới nước, bón phân không cần thường xuyên. Lâu lâu, chị mới bổ sung thêm phân trùn quế dạng nén hoặc pha loãng để phun cho cây.
"Nếu trồng sen đá trên đất thịt, sen rất dễ úng rễ và chết, bởi đất thịt trữ nước, không khô thoáng. Sen đá cần phải khô thoáng phần rễ", chị nói.
Về giá thể, tùy theo khu vực có thời tiết, khí hậu khác nhau mà người trồng cây sẽ có cách xử lý khác nhau. Trong đó, có tới khoảng 20 loại đá thường được dùng để trộn giá thể trồng sen đá.
Mỗi loại đá có công dụng và chất dinh dưỡng khác nhau, giúp cung cấp khoáng chất và tạo sự khô, thoáng cho dễ cây phát triển tốt.
Chị Uyên tiết lộ sử dụng đá Pumice (đá bọt núi lửa) để trộn cùng xỉ than, phân bò, trùn quế… làm giá thể trồng sen đá để phù hợp với kiểu thời tiết thường xuyên có mưa ở TPHCM.
Người phụ nữ này cũng thừa nhận, việc trồng sen đá tại TPHCM không thuận lợi so với các tỉnh phía Bắc hay Đà Lạt. Mùa nắng, nhiệt độ ở TPHCM quá cao, cây dễ sốc nhiệt. Còn mùa mưa, mưa nhiều, cây dễ gặp tình trạng úng nước.
Tuy việc chăm sóc sen đá đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ càng và tốn không ít thời gian nhưng chị Uyên nhận thấy mặt tích cực mà đam mê này mang lại.
Chị Uyên chia sẻ: "Mặc dù tốn công, tốn nhiều thời gian nhưng thành quả đạt được rất xứng đáng. Từ khi có vườn sen đá, mình cảm thấy cuộc sống thư thái, hạnh phúc hơn nhiều và rèn luyện được tính kiên nhẫn, bền bỉ".
Thiên Di (T/h)