Sáng nay 11/9, trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) được tổ chức tại Việt Nam, WEF và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn mở có Chủ đề: "ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
|
Bộ trưởng Syed Saddiq Syed Abdul Rahman, 25 tuổi, phát biểu tại WEF ASEAN. |
Phiên thảo luận đặc biệt này nhằm tạo nên một diễn đàn mở cho giới trẻ, sinh viên, doanh nhân, chuyên gia trẻ và công chúng một cơ hội để thảo luận về tương lai của chính mình, trong một giai đoạn phát triển chưa từng có của công nghệ trong khu vực ASEAN. Sự kiện cũng nhằm thúc đẩy, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và chia sẻ khởi nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 với mong muốn xây dựng một ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người.
Tại Diễn đàn, trả lời câu hỏi về việc người trẻ cần làm gì để thích ứng với kỷ nguyên mới và những người không thích ứng được thì có thể làm gì, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao của Malaysia Syed Saddiq Syed Abdul Rahman cho rằng giới trẻ ở ASEAN cần suy nghĩ khác.
"Cần đảm bảo làm việc vượt qua những khuôn khổ bình thường. Chúng ta chuyển sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số thì người trẻ hãy tìm kiếm các đam mê. Khi đã xác định được cảm hứng, xác định được tham vọng của mình thì hãy luôn suy nghĩ trước một bước, nghĩ xem thế hệ của chúng ta cần gì trong 10 năm tới chứ nếu chỉ tuân thủ các nguyên tắc thì đã có hàng chục ngàn người đi trước"- Bộ trưởng Syed Saddiq Syed nói.
Theo Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao của Malaysia, người trẻ có tuổi trẻ, vì vậy hãy tìm ra được đam mê, tìm ra những biện pháp khác thường để đạt được kết quả khác thường. "Người trẻ nếu theo đuổi đam mê, khai thác được tiềm năng của mình thì sẽ làm được những điều kỳ diệu"- ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahman nói.
Bộ trưởng Malaysia cũng cho rằng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các chỉ tiêu, điều kiện cần có của người trẻ sẽ tăng vì sẽ có nhiều công việc bị thay thế bởi tự động hóa. Nhiều nghề đặc biệt sẽ ra đời và thời gian để đào tạo 1 người cũng sẽ rút ngắn lại. Đối với một số ngành, chi phí học tập tăng lên nhưng trong điều kiện số hóa, chúng ta cũng có thể học các khóa học trên mạng.
Tuy nhiên, cũng giống như Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, khi nó diễn ra, nhiều người không nghĩ sẽ có nhiều việc được tạo ra như vậy, tài sản tăng lên như vậy nhưng thực tế đã diễn ra. Đến nay, chúng ta không thể hình dung được những lợi ích sẽ xuất hiện do Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong vòng 20 năm tới.
Trong bối cảnh như vậy, các Chính phủ cần quan tâm hơn tới việc bảo vệ lợi ích của thanh niên, các công ty cũng cần đáp ứng yêu cầu của quốc gia để phát triển.
Tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao ở tuổi 25 vào ngày 2-7 vừa qua, ông Syed Saddiq Abdul Rahman đã trở thành Bộ trưởng trẻ nhất của Malaysia kể từ khi nước này giành được độc lập.
Ông Syed Saddiq là cử nhân luật, tốt nghiệp Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia (IIUM) và nhận được học bổng tại Đại học Temple, Viện Đối thoại về Nghệ thuật Đa ngôn ngữ và Tôn giáo.
Trước khi tham gia chính trị, ông là Giáo viên về Tranh luận quốc tế, đã giảng dạy tại hơn 25 quốc gia, viết chuyên mục cho Tờ MalaysiaKini, FMT & Yahoo, thành viên của Hội đồng Tư vấn quốc gia về tài chính, chính trị, Tổng biên tập Tờ Báo cáo Tranh luận Monash và Tư vấn về Chính sách cộng đồng.
Ông từng được chọn là một trong những diễn giả cho Geneva on Corruption, các sự kiện giới trẻ như Tuần lễ truyền thông xã hội Malaysia 2018, Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo quốc gia và TedxYouthKL.
Ông đã được nhận các giải thưởng danh giá như Giải thưởng Perdana Belia Negara, Lãnh đạo Thanh niên Hồi giáo Malaysia, Giải thưởng Thanh niên Merdeka và Giải thưởng Tokoh Siswa.
Theo Diệp Châu/NLĐ