Không cho người lao động làm thêm shipper, taxi công nghệ... để phòng dịch
Cụ thể, ngày 14/6, Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP có Công văn số 3774/DVN-ATCL về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 gửi tới các đơn vị.
Theo công văn trên, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang còn nhiều diễn biến phức tạp, gây khó khăn thêm cho sản xuất kinh doanh và cuộc sống người dân.
|
Nhiều người chọn shipper là nghề làm thêm. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Cường Ngô |
Trong hệ thống PVOIL đã có người lao động đi làm thêm công việc lái xe công nghệ, vô tình chở trúng ca F0, làm nhiều người trong đơn vị và gia đình trở thành F1, F2… phải cách ly, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và cuộc sống nhiều người liên quan.
Tổng Công ty cũng như nhiều doanh nghiệp đang từng bước khắc phục các khó khăn để bảo đảm vừa sản xuất kinh doanh và phòng, chống dịch hiệu quả. Do vậy, Tổng Công ty rất hiểu và chia sẻ với các khó khăn của tập thể, cá nhân người lao động trong toàn hệ thống. Bằng khả năng, Tổng công ty đang cố gắng tạo mọi điều kiện để các đơn vị và người lao động có được việc kinh doanh và cuộc sống ổn định bình thường nhất có thể.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn phức tạp, để ngăn chặn sự lây lan, nhất là từ cá nhân vô tình lây sang các đồng nghiệp trong tập thể, làm ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất kinh doanh, Tổng Công ty nhắc nhở các đơn vị thực hiện yêu cầu người lao động không làm thêm những công việc có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Nếu người lao động thực sự có nhu cầu phải làm thêm các công việc có nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19 như shipper, bán hàng, taxi công nghệ… thì người lao động làm đơn xin nghỉ việc để Tổng công ty/đơn vị xem xét hỗ trợ một lần theo quy định của pháp luật.
Tổng Công ty đề nghị các đơn vị quán triệt đến từng cán bộ công nhân viên/người lao động thực hiện, để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi COVID-19, giữ vững chuỗi sản xuất kinh doanh trên toàn hệ thống. Yêu cầu Giám đốc các đơn vị nghiêm túc thực hiện các nội dung trên.
|
Công văn của Tổng công ty Dầu Việt Nam. |
Công văn đã nhận được nhiều bình luận, tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung công văn không đúng với quy định của Bộ luật Lao động.
“Công văn chưa phù hợp về luật pháp nên có thể sẽ được thu hồi lại”
Trao đổi với phóng viên, bà Nghiêm Thuỳ Lan, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam xác nhận công văn trên do Tổng Công ty Dầu Việt Nam ban hành, nhưng với tinh thần là để kiểm soát dịch COVID-19 và lo cho người lao động, không để lây bệnh. “Tuy nhiên, văn bản này chưa đúng với luật, giờ Tổng công ty đã họp, xem xét và có thể sẽ thu hồi lại văn bản này”- bà Lan thông tin.
Bà Lan cho rằng, vì ban tham mưu tham mưu chưa hết, và chưa chuẩn, còn đây là biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho người lao động, cũng như cho cả Tổng công ty vì người lao động tại đơn vị phải tiếp xúc rất nhiều nguồn lây nhiễm.
“Bản chất của công văn chỉ là có các biện pháp để người lao động an toàn, vì công việc của họ (bán xăng, dầu) phải tiếp xúc nhiều người, nguy cơ rất lớn về lây nhiễm F0 nên phải làm chặt” - bà Lan nói.
Theo bà Lan, tại Tổng Công ty Dầu Việt Nam, tất cả các chính sách cho người lao động vẫn tốt, lương không bị giảm (trung bình 12-15 triệu đồng/người/tháng); các chính sách hỗ trợ của công đoàn ngành, đơn vị… cho người lao động khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19 được triển khai rất tốt.
“Tất nhiên là có những người đi làm thêm, nhưng số lượng không nhiều. Tổng Công ty vẫn đảm bảo việc làm, thu nhập không giảm, nhưng có lẽ có người vẫn có nhu cầu làm thêm. Tuy vậy phải siết lại bằng kỷ luật lao động và kỷ luật phòng chống dịch” - bà Lan cho biết.
Công đoàn Dầu khí Việt Nam ủng hộ quan điểm thu hồi lại văn bản trên và tăng cường công tác tuyên truyền, các biện pháp khác để người lao động đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19.
Theo Bảo Hân/Lao động