Xuất khẩu thủy sản kỳ vọng vượt mốc 10 tỷ USD

Google News

Với những kết quả tích cực đã đạt được trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu vượt qua mốc 10 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021, cao gấp nhiều lần tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (16,3%). Không những đóng góp vào quy mô, tốc độ và mức độ tăng chung, xuất nhập khẩu thủy sản còn đóng góp tích cực vào kết quả xuất siêu của cả nước.

Xuat khau thuy san ky vong vuot moc 10 ty USD
Ảnh minh họa. 

Kết quả tích cực nói trên của ngành thủy sản được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố.

Thứ nhất, đơn giá xuất khẩu thủy sản tăng. Đặc biệt, trong quý I/2022, đơn giá xuất khẩu thủy sản bình quân tăng 10,27%, con số khá cao so với tốc độ tăng tương ứng của nhiều mặt hàng khác.

Thứ hai, lượng xuất khẩu tăng cao nhờ sản lượng thủy sản tăng. 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản đạt trên 3,3 triệu tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021, do nuôi trồng thủy sản đạt kết quả tích cực (đạt trên 1,7 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021).

Thứ ba, cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển dịch tích cực, xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao (như tôm) tăng trưởng mạnh.

Thứ tư, thị trường xuất khẩu được mở rộng. Thủy sản Việt Nam hiện có mặt ở hàng chục thị trường trên thế giới, trong có nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, Thái Lan... Đặc biệt, các thị trường tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam có rất nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu.

Năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD, nhưng với những kết quả tích cực đã đạt được trong 5 tháng đầu năm, có thể lạc quan kỳ vọng, lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể vượt qua mốc 10 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản bình quân trong 5 tháng đầu năm đạt 920 triệu USD. Nếu trong 7 tháng còn lại của năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt được bằng mức bình quân của 5 tháng đầu năm, thì cả năm 2022 sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD - cao nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, thì trong những tháng còn lại của năm, ngành thủy sản phải có nhiều giải pháp tích cực.

Theo đó, cần duy trì, tăng cường số lượng và đảm bảo hoạt động cho tàu đánh bắt hải sản xa bờ, vì số tàu và công suất đánh bắt đã bị giảm sút trong vài năm nay gần đây (số tàu giảm từ 35.380 tàu, xuống còn khoảng 35.200 tàu; công suất giảm từ 14,327 triệu mã lực, xuống còn khoảng 14,273 triệu mã lực).

Bên cạnh đó, cần duy trì và phát triển diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản cũng bị giảm (từ 1,148 triệu ha, xuống còn 1,131 triệu ha). Lưu ý, cần bảo vệ diện tích này trong mùa mưa lũ tới

Đặc biệt, ngành thủy sản cần có giải pháp để tăng năng suất; chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu mạnh hơn theo hướng tập trung cho các mặt hàng có giá trị cao.

Để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm để giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt Nam; tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường xuất khẩu.

Về thị trường xuất khẩu, bên cạnh các thị trường lớn, thị trường truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu nên có hướng mở rộng sang các thị trường còn nhiều dư địa, như Algeria, Kuwait, Hungari, Hy Lạp, Iraq,  Séc, Myanmar, Lào, Nam Phi, Phần Lan… 

>>> Mời độc giả xem thêm video Doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu thanh long bằng đường biển:

(Nguồn: VTV24)

Theo Đầu tư online