Xưởng sản xuất ô tô bằng 1.200 robot lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam

Google News

Ở Việt Nam, đã có những nhà máy hàng ngàn người máy sản xuất xe ô tô, những dây chuyền chế biến độc hại không cần công nhân,... rồi đến ngày những dịch vụ phục vụ nhà hàng hay thậm chí giải trí sẽ có robot giúp bạn.

Ứng dụng robot trong sản xuất
Ngày 21/8 Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo chuyên đề“Công nghệ Robotics-Mechatronics trong cách mạng công nghiệp 4.0: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Đây là hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện của “Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018”.
Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Vinfast cho hay: Vinfast sẽ cho ra đời dòng sản phẩm ô tô thương hiệu Việt Nam, chất lượng châu âu và cạnh tranh được với xe nhập khẩu và hướng đến xuất khẩu trong tương lai. Đây là khao khát rất lớn.
Xuong san xuat o to bang 1.200 robot lan dau tien xuat hien o Viet Nam
Ảnh minh họa. 
Để làm được điều đó, ông Huệ cho hay: Chúng tôi chọn con đường đi thẳng vào ứng dụng công nghiệp 4.0. Tại sao công nghiệp ô tô từ trước đến giờ chưa phát triển được như mong muốn, chưa nội địa hóa được? Bởi vì đó là do vấn đề số lượng chưa lớn. Nếu không có số lượng thì không thể có đầu tư lớn để có chất lượng, giá thành tốt và không thể có công nghiệp hỗ trợ. Cho nên bài toán Vinfast đưa ra là có ngay số lượng sản xuất lớn.
Ông Huệ cũng cho biết công nghệ tại nhà máy Vinfast “toàn là công nghệ của những công ty hàng đầu của Đức”. Ví dụ nhà máy hàn thân xe có 1.200 robot khác nhau.
TS Hoàng Việt Hồng, Công ty CP Viện máy và dụng cụ công nghiệp dẫn thực tế về việc nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống máy đóng bao NPK tự động hoàn toàn tại công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.
Trước đó, các công nhân phải đóng bao bằng tay khiến mỹ quan sản phẩm không cao, lượng bụi phát tán tại vị trí kẹp bao, gấp bao phát sinh lớn ra môi trường làm ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người lao động.
Dùng hệ thống máy đóng bao tự động đã giúp giảm lượng nhân công đáng kể, và năng suất cao hơn nhiều lần.
Theo ông Hoàng Việt Hồng, tiềm năng ứng dụng robot trong đổi mới công nghệ là rất lớn. Phần lớn các đơn vị sản xuất hàng rời như thức ăn gia súc, chế biến khoáng sản, có vốn đầu tư nước ngoài đều được trang bị dây chuyền sản xuất tự động hóa cao, bốc xếp tự động bằng robot. Một số nhà máy sản xuất công nghiệp đầu tư mới cũng đã ứng dụng công nghệ mới. Tuy nhiên số lượng các dây chuyền cũ cần cải tạo nâng cấp còn rất nhiều.
Robot có trong mọi lĩnh vực
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng: Robotics - Mechatronics (tạm dịch là Công nghệ robot - Cơ điện tử) có thể được xem là một trong những trụ cột của nền công nghiệp 4.0 với những nhà máy thông minh và doanh nghiệp được chuyển đổi số hóa toàn diện, cũng như nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống.
Trong năm 2018, theo kết quả điều tra, nghiên cứu của Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam đối với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), số lượng các doanh nghiệp của Việt Nam quan tâm đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới, đặc biệt công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0 vào trong quá trình sản xuất còn rất khiêm tốn. Mặc dù hiện nay các doanh nghiệp có nhu cầu lớn, nhưng chưa có đủ tiềm lực và định hướng chiến lược trong quá trình đầu tư này.
“Với trên 97% các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, nên gặp nhiều khó khăn thách thức về nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và năng lực đổi mới sáng tạo còn rất thấp.Mối liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức khoa học và công nghệ còn hạn chế, chưa hiệu quả”, ông Cao Quốc Hưng nói.
Với tình hình nêu trên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn giữa nhu cầu và khả năng ứng dụng Công nghệ robot & Cơ điện tử trong quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp đang cần những nhà khoa học, chuyên gia công nghệ cùng phối hợp để trả lời câu hỏi “Ai?” và “Làm như thế nào?” để giải quyết những thách thức này.
PGS.TS Hồ Anh Văn, Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản cho hay: Năm 2009 có 60 nghìn robot công nghiệp được bán. Sau vài năm, số lượng này tăng 4 lần, lên 250 nghìn robot được bán mỗi năm.
“Dự đoán thị trường robot công nghiệp là 79 tỷ USD vào năm 2022”, ông Hồ Anh Văn nói.
Tuy nhiên, theo ông Văn, robot không chỉ dùng trong công nghiệp. Tờ Economist năm 2014 có nói về sự trỗi dậy của robot khi “robot bước ra ngoài hàng rào nhà máy”, thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống con người và là một phần không thể tách rời.
“Robot là cứu cánh cho các nền kinh tế lớn. Dự báo đến năm 2060 tỷ lệ người đi làm ở Nhật sẽ giảm rất nhiều. Cho nên Nhật muốn phát triển thì phải phát triển robot vì họ không có nhân công. Lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản ra sách trắng robot thể hiện rõ chiến lược trong phát triển robot”, ông Hồ Anh Văn đánh giá tầm quan trọng của robot.
Do vậy, TS Hồ Anh Văn khẳng định: Chúng ta không nên nghĩ robot chỉ phục vụ sản xuất trong công nghiệp. Nó là một nền công nghiệp có doanh thu rất lớn trong tương lai. Dự báo của Nhật Bản cho thấy, đến 2035 doanh số robot dịch vụ tăng gấp đôi. Cho nên nếu chỉ nghĩ robot phục vụ công nghiệp thì bỏ đi một cơ hội rất lớn. Chúng tôi mong doanh nghiệp, Bộ Công Thương coi robot là 1 ngành công nghiệp, phục vụ công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
TS Phạm Quang Cường, Đại học NTU (Singapore) cho biết: Hiện tại có 1,8 triệu robot đang sử dụng. Sản xuất ô tô xe máy, điện tử, luyện kim... là những ngành đầu tàu ứng dụng robot công nghiệp. Với sự phát triển công nghiệp robot, sẽ có thêm nhiều ngành sử dụng robot trong sản xuất.
Theo Hà Duy/Vietnamnet