10 nghìn phụ nữ TP.HCM nâng ngực một năm

Google News

Theo Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, mỗi năm thành phố đón khoảng 100.000 người đến giải phẫu thẩm mỹ. Khoảng 10 nghìn phụ nữ trong số này đặt túi ngực.

Tại đơn vị thẩm mỹ tạo hình của Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm tiếp nhận 1.000 ca giải phẫu thẩm mỹ, chủ yếu là nâng ngực, hút mỡ. Một bác sĩ cho biết, nhiều trường hợp đặt túi ngực bị biến chứng như bị vỡ hay rò rỉ nước muối sinh lý hay gel bên trong (chiếm 2 - 3% tổng số ca phẫu thuật).
 
Hủy “sô”, xin lại tiền
Sau vụ bác sĩ làm chết khách hàng rồi phi tang xác xuống sông, hàng loạt khách hàng đã đặt cọc và lên lịch phẫu thuật nâng ngực, hút mỡ ở các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ ở TP.HCM đã... "hủy show".
Nhiều thẩm mỹ viện tại TP.HCM hiện rơi vào cảnh trống vắng, chỉ lèo tèo vài nhân viên ngồi "buôn" chuyện.
Tại thẩm mỹ viện Ánh H (đường Sư Vạn Hạnh, Quận 5), nhân viên cơ sở này cho biết, nhiều khách hàng hoang mang khi đọc báo thấy đưa tin về vụ việc thẩm mỹ gây chết người, nên đã hủy các cuộc hẹn. Nữ nhân viên nơi đây tiết lộ: “Phải đến 5 khách hàng nâng ngực và hút mỡ cùng đồng loạt hủy giải phẫu từ tối 23/10”.
Tương tự, thẩm mỹ viện Đông P trên đường Lê Hồng Phong (quận 10) trước đây đã vắng, nay lại càng đìu hiu hơn. Khi có khách đến, nhiều nhân viên uể oải từ trên giường ngồi dậy. “Cứ đà này tụi em phải tính đường chuyển nghề” - một nhân viên ở đây nói.
Ở thẩm mỹ viện Hồng G (đường 3/2, quận 10), không khí ảm đạm khi không có khách và một số khách cũ cũng xin không thực hiện phẫu thuật nữa. “Có người đã đặt cọc tiền làm đẹp cũng xin lấy lại” - nhân viên nơi đây cho biết.
Vi phạm
Mặc dù rất nhiều cơ sở giải phẫu thẩm mỹ đăng ký hoạt động ngoài giờ, nhưng theo khảo sát của phóng viên, nhiều thẩm mỹ viện vẫn ung dung nhận khách và tiến hành các phẫu thuật kể cả trong giờ hành chính.
Tại tuyến đường Lê Hồng Phong nối dài và Sư Vạn Hạnh (quận 10), có rất nhiều thẩm mỹ viện được Sở Y tế TP.HCM cấp phép hoạt động ngoài giờ, nhưng đầu giờ chiều những ngày qua, các cơ sở vẫn mở cửa hoạt động. Nhân viên không ngại tư vấn sẽ có bác sĩ xử lý ngay tức thì nếu khách có yêu cầu.
Tại thẩm mỹ Khánh L. và Diệu H. trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), khi chúng tôi đến, có 2 ca nâng mũi và cắt mắt đang được tiến hành bình thường. Khi phóng viên ngỏ ý được gặp bác sĩ tư vấn cho mình thì chủ của thẩm mỹ (cũng là một bác sĩ mổ chính) xuất hiện và ngồi trao đổi. “Cơ sở này làm bất kể giờ nào, miễn là đặt cọc trước”- bác sĩ tên K.L nói.
Tuy nhiên, cơ sở này chỉ được cấp phép hoạt động ngoài giờ. Còn ở thẩm mỹ viện An T. đường Bà Hạt, quận 10 được cấp phép hoạt động ngoài giờ nhưng khi chúng tôi hỏi về bác sĩ phẫu thuật, nhân viên này cho biết, bác sĩ đang làm ở bệnh viện, nhưng nếu khách có nhu cầu giải phẫu thẩm mỹ vẫn có thể tiến hành trong giờ hành chính.
“Anh chị cần, chúng tôi sẽ thu xếp lịch cho bác sĩ trong giờ hành chính”- nhân viên khẳng định.
Để được cấp phép quảng cáo thẩm mỹ, Sở Y tế TP.HCM làm rất nghiêm khi các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải có giấy phép hành nghề và hoạt động- Ảnh: L.N. 
Chưa phát hiện quảng cáo chui
Trao đổi với báo chí hôm 27/10, bác sĩ Lê Minh Hải - Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tư nhân, Sở Y tế TP.HCM, cho biết, thủ tục cấp phép quảng cáo thẩm mỹ được Sở Y tế TP.HCM thực hiện rất nghiêm ngặt.
Theo đó, Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được phép làm các dịch vụ như tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ hoặc tạo hình mí mắt, mũi, môi và tai.
“Tất cả các phòng khám này không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi và lấy mỡ cơ thể” - bác sĩ Hải khẳng định.
Theo bác sĩ Hải, để được cấp giấy phép quảng cáo, điều bắt buộc là cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ phải có giấy phép hành nghề và giấy phép hoạt động, sau đó mới duyệt nội dung quảng cáo.
“Nếu không có những giấy phép này, thì không thể quảng cáo được”- bác sĩ Hải nói, đồng thời cho rằng, chưa phát hiện phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ nào ở TP.HCM quảng cáo “chui”.
Để "thượng đế" không bị tiền mất tật mang, một bác sĩ công tác ở Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đề xuất các cơ quan truyền thông, khi tiếp nhận những quảng cáo mà cơ sở thẩm mỹ thiếu hồ sơ như giấy phép hành nghề và giấy phép hoạt động thì tuyệt đối “nói không”.
“Nếu cứ quảng cáo thì vô hình chung tiếp tay cho cơ sở thẩm mỹ hại người bệnh” - bác sĩ này nói.
Sau lần phẫu thuật bơm mỡ tự thân vào ngực và bị tai biến do cơ sở thẩm mỹ lừa bơm silicon, may mắn được các bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân 115 cứu sống, chị Nguyễn Thị V (43 tuổi, Việt kiều ở Singapore), vẫn còn bàng hoàng.
Mới đây chị muốn đi “tút” lại bộ ngực sau vụ tai biến kia nhưng nghe tin thẩm mỹ gây chết người nên chị V lại thôi.
“Dù bây giờ một bên tròn, bên dẹt nhưng tôi khiếp rồi. Có làm cũng phải vào bệnh viện cho yên tâm”- chị Nguyễn Thị V, nói và khẳng định: “Nhưng không phải phẫu thuật lúc này”.
Theo Tiền Phong