Rủi do khôn lường khi lạm dụng kem dưỡng môi tự chế

Google News

(Kiến Thức) - Theo các chuyên gia, những "công thức" dưỡng môi tự chế mà chị em truyền tai nhau đều tiềm ẩn không ít nguy cơ rủi ro nếu lạm dụng... 

Thơm thơm, ngòn ngọt
15g vaseline, 5ml mật ong và 30g đường đỏ, trộn đều tất cả lại với nhau và cho thêm vài giọt siro mùi trái cây, socola, bạc hà, caramel... hoặc một, hai giọt tinh dầu thơm là bạn đã có một hỗn hợp kem dưỡng môi để trị những dấu hiệu môi khô, nứt nẻ mùa hanh này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những "công thức" dưỡng môi tự chế như thế này có thể tiềm ẩn không ít nguy cơ rủi ro... 
Theo tìm hiểu của phóng viên, các "bí kíp" dưỡng môi, chăm sóc môi chị em truyền tai nhau hầu hết đều rất đơn giản, vật liệu sẵn có và dễ thực hiện. Với công thức nói trên, người làm còn có thể thay vaseline bằng dầu ôliu nếu có. Một công thức tự chế kem dưỡng môi khác cũng được nhiều chị em áp dụng là dùng sáp ong. 
Công thức biến sáp ong thành kem dưỡng môi cũng rất đơn giản: Nếu sáp ong khi mua ở dạng miếng thì cắt vụn rồi cho vào lò vi ba để tạo ra dầu sáp ong. Bước tiếp theo là trộn dầu sáp ong với dầu ôliu để nguội rồi cho thêm một số thành phần khác như mật ong, vani, siro cam hay hạnh nhân để tạo mùi thơm và vị ngọt cho kem dưỡng môi. Vỏ cam chanh bào vụn ra trộn với mật ong cũng tạo thành một loại kem dưỡng môi đặc trị cho môi khô, nứt, giúp lấy đi tế bào da chết trên môi, trả lại cho bạn đôi môi mềm mại, căng mọng...
Là người áp dụng phương pháp làm kem dưỡng môi tự chế tại nhà, chị Nguyễn Hải Thu ở tổ dân phố số 10, phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, khi sử dụng, chỉ cần cho một ít "kem" ra ngón tay rồi chà xát đều lên môi trong 1 - 3 phút (có thể dùng bàn chải đánh răng mềm của trẻ em để chà nhẹ lên môi vừa giúp loại bỏ các mảng da chết vừa giúp dưỡng chất ngấm vào môi), sau đó rửa sạch lại môi bằng nước ấm rồi bôi thêm một ít son dưỡng để bảo vệ môi. 
Tuy nhiên, kem dưỡng môi tại gia kiểu này làm một mẻ cũng phải sử dụng ít nhất từ 10 ngày trở lên, có lần chị mở hộp kem ra dùng không thấy mùi thơm ngọt như mọi khi, nên đành bỏ đi. Chị Thu rất thắc mắc liệu kem để lâu như vậy có bị hỏng, gây ra các tác hại ngược hay không.
Ảnh minh họa. 
Dễ sưng môi, nhiễm khuẩn
Theo chuyên gia chăm sóc da Nguyễn Minh Hương, Trung tâm Thẩm mỹ Trúc Lâm, tình trạng da môi bị khô có thể do nhiều nguyên nhân. Không khí khô hanh, nhất là ở miền Bắc khi cuối thu hoặc chớm vào mùa lạnh, rất dễ làm môi bị khô, nứt nẻ, bong da. Ngoài ra, ánh nắng, điều hòa, khói bụi từ môi trường, kem đánh răng, son, mỹ phẩm... cũng là những tác nhân tấn công làn da môi vốn đã rất mỏng và nhạy cảm. 
Thói quen liếm môi, nhất là khi môi khô, nhiều người lại suy nghĩ một cách sai lầm rằng liếm môi để dùng nước bọt làm ẩm môi, nhưng thực tế điều này lại khiến cho tình trạng nứt môi càng nặng hơn. Cắn môi để lột đi lớp da môi bị khô cũng rất dễ dẫn đến chảy máu, làm vết nứt lâu lành và thậm chí để lại sẹo trên môi. 
Chuyên gia Nguyễn Minh Hương cũng cho rằng, để có làn môi mềm mại, căng tràn sức sống, trước hết chị em cần thay đổi những thói quen xấu và chăm sóc da môi đều đặn. Các công thức nói trên thực tế đều có tác dụng tốt, nhưng thực chất đó chỉ là những cách giúp tẩy tế bào da chết trên môi, không nên lạm dụng thường xuyên. 
Tốt nhất, trong thời tiết hanh khô thì có thể dùng đến 2 lần/tuần, để giúp lấy đi lớp da khô bên ngoài, sau đó vẫn nên dùng các sản phẩm dưỡng môi. Các hỗn hợp tự chế này có ưu điểm là thành phần hoàn toàn tự nhiên, nhưng do không có chất bảo quản nên không thể để lâu được, mỗi lần chỉ nên làm một lượng thật nhỏ, bảo quản trong tủ lạnh và sử dụng tối đa 3 - 5 ngày. Khi làm cũng cần chú ý khâu vệ sinh sạch sẽ dụng cụ và nguyên liệu. Khi dùng, lấy thìa sạch gạt ra tay một ít đủ dùng, tuyệt đối không dùng ngón tay ngoáy vào trong lọ, hộp đựng, dễ gây nhiễm khuẩn. Cũng cần chú ý không bôi hỗn hợp để trên môi qua đêm. 
"Thực tế có trường hợp cho rằng để qua đêm sẽ thấm hết dưỡng chất, càng tốt cho môi. Không ngờ cách đó lại gọi kiến, côn trùng đến đốt, khiến sưng cả môi", chuyên gia Nguyễn Minh Hương chia sẻ.
Dù dưỡng môi hay chăm sóc môi với hỗn hợp tự nhiên hay sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm, người dùng cần chú ý thử phản ứng trước xem có phù hợp với mình hay không, để tránh các nguy cơ dị ứng kích thích do da mẫn cảm. 
ThS Nguyễn Thị Thảo (Phòng khám Da liễu Beauty Clinic) 
Huy Khánh