Bi hài chuyện bà đẻ cứ đến viện là nghe... chửi

Google News

(Kiến Thức) - “Tôi bảo cô chưa đẻ được! Cô gào vừa thôi tí lên bàn đẻ mà không rặn được thì đừng trách tôi nhé?”, đó là một phần ký ức của chị Dung (Hà Nội).

Đã hai năm nhưng mỗi lần hỏi về kỷ niệm lúc sinh con, chị Trần Thị Dung, 29 tuổi, ở 520 Trường Chinh (Hà Nội) vẫn không khỏi ấm ức kể về những chuyện bị y bác sĩ khoa sản mắng, chửi lúc lâm bồn.
Sợ bác sĩ như sợ cọp
Chị Dung thở dài: “Lúc đầu ở nhà đau muốn chết đi được cứ nghĩ rằng thế là kinh khủng lắm rồi vào viện mới biết bác sĩ chửi còn đáng sợ hơn cả ngàn lần. Bụng đau, mình lần đầu đi đẻ lóng nga lóng ngóng bác sĩ chẳng nhẹ nhàng tí nào lại còn quát xơi xơi.
Khi đó tôi tưởng chừng như em bé trong bụng rơi ra đến nơi rồi, nhưng bác sĩ chỉ xem qua qua mà chẳng đoái hoài gì mình khóc hỏi bác sĩ thì còn bị quát: “Tôi bảo cô chưa đẻ được đâu ra ngoài kia đi bộ chứ bảo cô ngồi đấy à? Cô gào vừa thôi tí lên bàn đẻ mà không rặn được thì đừng trách tôi nhé?”.
 Đau đẻ. 
Chị Dung kể từ lúc bị mắng đó cứ thấy bác sĩ là mình im thin thít cố vịn tay chồng lê cái bụng đau quặn đi đi lại lại. Được một lúc thì có một chị y tá gọi bảo vào để bác sĩ xem, rồi bảo nằm trên một chiếc giường trong phòng chờ đẻ. 
"Tôi nằm đó đau không nhịn được cứ rên hừ hừ nhưng vừa rên vừa sợ bác sĩ chửi như lúc trước. Bác sĩ thi lại đảo một vòng, bảo chị em trong phòng có cả tôi nằm lên, dạng chân ra, còn bác sĩ thò tay vào ngoắng phát, đọc to lên cho mấy cô y tá ghi lại: mở 4 phân, mở 3 phân, chưa mở …", chị kể.
Cũng theo chị Dung, chờ mãi cũng đến lúc chị được lên bàn đẻ tuy nhiên đợi mãi chỉ có mình chị cứ nằm tơ hơ ở đấy. Bác sĩ thì mãi một lúc sau mới xuất hiện bảo: “Đòi đẻ, giờ được đẻ nhá cố mà rặn này”. 
Nghe bác sĩ ra hiệu tôi ra sức rặn, nhưng không hiểu kiểu gì 3 hơi đầu cứ rặn è è đều hụt em bé vẫn chưa ra. Bác sĩ trừng mắt lên quát: “Rặn thế à, rặn hơi dài vào cứ è è thì bao giờ mới đẻ được”. Vừa nghe xong thì cũng là bác sĩ cầm dao rạch tầng sinh môn cái roạt và quát lên rặn tiếp nào.
"Lúc này đau trên đau dưới chẳng có chỗ nào không đau, tôi dồn hết sức rặn một hơi thật dài lúc này con yêu cũng ào ra và khóc oe oe. Mình cũng kiệt sức chỉ nghe loáng thoáng bác sĩ bảo con trai, nặng 3,2kg rồi xong rồi đi mất hút… Giờ nghĩ lại lúc đẻ chẳng nhớ gì chỉ nhớ cảm giác sợ rúm vào vì bác sĩ mắng”. Chị Dung nói.
Thảm hơn tình cảnh chị Dung, chị Võ Thị Nguyệt ở Long Biên, Hà Nội dù sinh con lần thứ 2 vẫn không thoát nỗi sợ hãi vô hình với bác sĩ.
Chị Nguyệt kể: “ Lần đầu đi đẻ cũng bị mấy chị y tá rồi cả bác sĩ mắng từ khi bước chân vào viện đến khi đẻ xong. Mình đẻ lần đầu cái gì cũng không biết nên cái gì cũng muốn hỏi mỗi lần mở miệng than hoặc hỏi cái gì bác sĩ lại trừng mắt độp cho một câu lạnh lùng không thì mắng xơi xơi mình và ông chồng đứng bên cạnh. Hai vợ chồng lúc đấy chỉ biết ngơ ngác cũng không hiểu sao mình lại bị mắng nữa.
Mình bị ám ảnh mãi cứ nghĩ đến đẻ lần thứ 2 là lại sợ. Lần thứ 2 đẻ dù đã có kinh nghiệm hơn ít hỏi hơn những cũng không thoát cảnh bị mắng. Vừa được chồng dìu vào phòng đẻ đã nghe bác sĩ nói: “Bà đẻ tự đi đi sao bắt chồng dìu thế? Đau thế đã không chịu được thì đẻ làm sao được hả?”. Nói xong bác quay sang quát một chị nằm giường bên cạnh chắc là đẻ lần đầu đang gào lên vì quá đau: “Cô gào vừa thôi, hét cho lắm không còn sức mà đẻ đâu. Cứ làm như mình cô đẻ nhỉ”.
 Với nhiều sản phụ, bác sĩ là nỗi sợ hãi lớn nhất với họ trên bàn đẻ. Ảnh minh họa
Tình cảnh như chị Nguyệt, Dung cũng xảy ra với nhiều sản phụ khác. Khi được hỏi sợ gì nhất khi đi đẻ thì ai cũng nghĩ tới bác sĩ đầu tiên. Người thì sợ bác sĩ không cẩn thận, người thì sợ bác sĩ không có kinh nghiệm những sợ nhất vẫn là bác sĩ chửi. Tình trạng chửi mắng, nặng lời với bà bầu bà đẻ không đến mức như cơm bữa nhưng cũng không hề thiếu phổ biến.
Thực tế hiện nay nhiều bác sĩ sản phụ khoa nhất là ở những khoa đẻ thường của các bệnh viện công vẫn luôn mang khuôn mặt lạnh như tiền, sẵn sàng nổi nóng, quát nạt sản phụ và người nhà bất cứ lúc nào. Chính điều này khiến các sản phụ dễ rơi vào tình trạng stress, căng thẳng suốt thai kì, thậm chí đến tận khi sinh xong.
Bác sĩ mắng với dụng ý tốt?
Vừa để tìm hiểu nguyên nhân vừa tự lý giải vì sao các bác sĩ, y tá đỡ đẻ nặng lời với sản phụ và người nhà thì nhiều người bệnh cũng tỏ ra khá thông cảm với áp lực công việc mà các bác sĩ nhất là bệnh viện công đang phải gánh chịu.
Anh Hoàng Tùng chồng sản phụ Nga sinh tại khoa dịch vụ viện Phụ sản Hà Nội cho biết: "Việc bác sĩ cứ mắng xơi xơi và mặt bà bầu bà đẻ trong lúc họ chuyển dạ đau đớn hốt hoảng là khó chấp nhận được. Gía như cũng mất công nói những câu đó các bác nói nhẹ nhàng hơn với người bệnh thì họ sẽ cảm thấy an tâm rất nhiều. 
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, quả thực áp lực công việc của các bác sĩ nhất là khoa đẻ của bệnh viện công lớn quá. Từ sáng tới đêm nghe sản phụ rên la đau đớn rồi ngập trong công việc, ca này đẻ chưa ngơi đã tới ca khác thì đúng là quá tải. Buổi sáng có sức mà niềm nở nhẹ nhàng với bệnh nhân nhưng đến chiều chắc cũng hết sức".
Còn theo cô Nguyễn Thị Vân một bác sĩ khoa sản từng công tác ở khoa sản của nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, đã nghỉ hưu thì: "Bác sĩ cũng là người bằng máu thịt nên cũng chịu mọi áp lực công việc như người bình thường. Lúc quá sức mệt mỏi thì cũng khá khó giữ bình tĩnh nên không tránh được việc mắng chửi hay nặng lời với bà bầu, bà đẻ. 

Những thực tế công việc không phải cứ lúc nào bác sĩ mắng cũng là vì bác sĩ bực hay khó tính. Có nhiều lúc bác sĩ đỡ đẻ cố tình nặng lời, nghiêm giọng để sản phụ quên cơn đau, quên cái mệt mà tập trung vào lời bác sĩ nói sẽ giúp việc sinh nở thuận lợi hơn. 

Tôi từng mắng bà đẻ rồi, nhưng mắng là có mục đích nhiều sản phụ khó sinh phải rạch tầng sinh môn, rạch vào da thịt thì chắc chắn đau rồi. Chính vì thếnhiều lần trước lúc định rạch mình phải mắng cho họ không chú ý mà chú ý vào lời mình đang mắng thì cảm giác đau đớn sẽ đỡ hơn rất nhiều.  
Rồi nhiều sản phụ tính tiểu thư, đau đẻ nhưng cũng tập trung gào khóc nhiều. Họ gào khóc, vật vã hết cả sức, không còn sức mà đẻ nữa thế là hại cả mẹ hại cả con. Vì thế quy kết bác sĩ nào mắng bà đẻ cũng là xấu thì không phải là đúng hoàn toàn, nhiều lúc bác sĩ mắng là có dụng ý tốt".
Ngọc Nga