Nhiều chị em khi bầu và sau khi sinh con bỗng dưng biến đổi hoàn toàn, từ người phụ nữ dịu dàng đoan trang... bỗng dưng thêm nhiều tật xấu khó tưởng tượng.
Ngủ ngáy như kéo bễ
Ngủ ngáy là hiện tượng thường gặp nhất là trong 3 tháng giữa thai kỳ. Chị Thanh Huyền (ở Đại La, Hà Nội) chia sẻ: "Trước tôi hoàn toàn bình thường, ngủ không có tật gì nhưng khi bầu bước sang tháng thứ 3, bỗng dưng ngủ ngáy như kéo bễ cả đêm, khiến chồng bị hành cả tháng trời mới quen".
Các bác sĩ lý giải nguyên nhân ngủ ngáy của chị em do màng nhầy trong mũi bị sưng lên làm tắc nghẽn khiến bà bầu phải chuyển sang thở bằng miệng, từ đó gây ngáy.
Để khắc phục tình trạng này, chị em nên nhỏ mũi bẳng dung dịch nước muối sinh lý trước khi ngủ và cả trong đêm nếu cần thiết.
Ngoài ra, mẹ bầu nên mua loại gối đặc thù để giữ tư thế nằm nghiêng và tránh lăn trở khi ngủ. Đồng thời, gác cao mình trên gối vừa có thể giảm ngáy vừa tránh chứng ợ nóng thường xảy ra khi mang thai. Nếu có điều kiện, mẹ thử dùng máy tạo độ ẩm để làm thông thoáng không khí trong phòng ngủ.
Tiểu không ngừng nghỉ
Chị Nguyễn Ngọc Anh (Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tình trạng bất thường của cơ thể xuất hiện sau khi tôi bầu tháng thứ 5 và tái diễn sau khi sinh con đầu lòng. Không hiểu vì sao mỗi khi tôi thót bụng hay cười lớn, vận động mạnh là nước tiểu cứ rỉ ra, cố nín nhịn cũng không dừng lại được...
... Ban đầu nước tiểu chỉ són ra khi tôi nhịn tiểu quá lâu nhưng theo thời gian, tình trạng ngày một nặng thêm, tôi bị "ướt" bất kì lúc nào từ ngồi, nằm, đi làm, đi chợ hay đi xe máy. Vì cái bệnh kì cục này, tôi có nhiều phen ngượng ngùng không biết giấu mặt vào đâu. Nhiều hôm ở giữa chợ, tay xách nách mang đủ thứ, tôi lại phải khúm núm, khép nép vì đũng quần ướt sũng".
Các bác sĩ lý giải nguyên nhân tiểu không ngừng nghỉ của mẹ bầu và sau sinh là do: Trong quá trình mang thai khi mẹ bầu cười to hoặc hắt hơi khiến áp lực trong ổ bụng thay đổi, áp lực của thai nhi và tử cung đè lên bàng quang của mẹ, cùng với lượng nước tiêu thụ mỗi ngày nhiều hơn bình thường khiến mẹ có hiện tượng như "em bé".
Để tránh tình trạng này, mẹ bầu nên tập thói quen đi tiểu ngay khi có thể bởi càng "tích cóp", càng dễ bị "rò rỉ", và nên đặt một miếng lót nhỏ như băng vệ sinh hàng vào quần lót.
Cuối cùng, mẹ nên thường xuyên thực hành bài tập Kegel giúp xương chậu chắc khỏe: tự co lại, rồi giữ chặt các cơ chung quanh âm đạo vào hậu môn như thể mẹ đang cố nín tiểu, giữ càng lâu càng tốt cho đến khi mẹ cảm thấy ngứa ran, rồi thả lỏng ra và tiếp tục động tác như thế khoảng 20 lần. Mỗi ngày mẹ có thể tập bài tập Kegel 5 lần nhưng nhớ chia chúng thành nhiều bữa tập nhỏ.
Trường hợp sau khi sinh vẫn bị són tè thì nên đi khám bác sĩ để xem trong quá trình sinh nở, mẹ bầu có bị ảnh hưởng tác động gì tới niệu đạo, bàng quang hay không?
Ngọc Nga