Người đàn bà “dọc ngang” tìm kiếm hạnh phúc

Google News

(Kiến Thức) - Hai lần lấy chồng với bà Trần Thanh Mai (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) là hai bước chân trái ngược nhau trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc.

Có những lúc trong cuộc đời, chỉ cần bước thêm một bước là cuộc sống đã sang trang khác. Hai lần lấy chồng, hai lần làm dâu với bà Trần Thanh Mai (xóm Nội, Chấn Hưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) là hai trạng thái đối lập nhau, hai bước chân trái ngược nhau trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc.

Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy

Bà Mai kể, ngày xưa ở nông thôn, trai gái yêu và lấy nhau đơn giản lắm chứ không phức tạp như bây giờ. Rất nhiều người lấy nhau, cho đến lúc làm vợ chồng mà chưa một lần nói chuyện với nhau, nhìn thẳng vào mặt nhau, chứ chứa nói gì đến chuyện cầm tay. Nhà nào có con gái lớn đến tuổi gả chồng, các cụ chỉ cần thì thầm với nhau "đám này, đám kia" được đấy, thế là đem cơi trầu đến dạm ngõ. Bà cũng nằm trong số đó. 

Bà còn nhớ rất rõ cái cảm giác run sợ của cái buổi tối bước chân về nhà chồng: "Lúc đó tôi cứ chạy ra ngoài vườn ngồi khóc rấm rứt. Một phần vì sợ, một phần vì lo, mình không biết người ta như thế nào. Chỉ vì là người cùng làng cùng xóm thì biết nhau thôi. Giờ bảo về làm vợ thì lại càng hoang mang".

Về làm dâu được hơn chục ngày thì bà Mai dọn quần áo về nhà bố mẹ đẻ ở. Bà kể, lúc đó, việc bỏ chồng là một cái gì ghê gớm lắm. Chẳng có ai lấy chồng rồi mà lại bỏ cả. Việc bỏ chồng của bà là hành động nổi loạn. Nhưng bà vẫn nhất quyết một mực bỏ, mặc cho xóm giềng có ì xèo. 

Bà bảo bà không sống được với một người lúc nào cũng chỉ như cái bóng, như khúc gỗ ở trong nhà. Ở với nhau, nhưng gần như chưa bao giờ nói chuyện được với nhau 1 câu trọn vẹn. Chỉ có những trận đòn, của cả mẹ chồng và của người chồng đầu gối tay ấp. Lúc đó với bà, lấy chồng nghĩa là chuốc lấy những trận đòn vô cớ.

Mặc kệ điều tiếng, bà trở lại cuộc sống của một cô gái quê mùa chân chất. Chỉ hơn chục ngày làm dâu nhưng đó là những tháng ngày khó có thể quên. Mang tiếng là gái có chồng, việc lấy một chàng trai tân xem ra gần như là không thể. Lúc đó bà chỉ nghĩ, mình cứ sống thật tốt, nếu có duyên phận với một người nào khác, thì tự khắc sẽ đến.

25 năm trên chuyến tàu thứ 2 chưa bao giờ vợ chồng bà to tiếng. 

Rổ rá cạp lại 

Bà Thanh kể, hơn 1 năm sau thì bà đi bước nữa. Chồng bà là một người đàn ông góa vợ, có hai con gái. Bà kể: "Lúc đó, tôi ấn tượng vì đó là một người đàn ông chân thành, dáng dấp có phần khắc khổ. Cảnh gà trống nuôi con, trong tôi dấy lên một lòng thương cảm vô bờ. Vậy là tôi đồng ý về làm vợ, làm mẹ của các con anh. Sau đó tôi sinh được 2 cậu con trai. Hai vợ chồng, 4 đứa con, chăm chỉ làm ăn, công việc đồng áng vất vả, nhưng cuộc sống ấm cúng. Trồng rau, trồng ngô, lúa, nuôi gà, lợn, mệt nhọc cả ngày mà thu nhập cũng không được mấy. Có hôm hai vợ chồng dậy từ 3h sáng chặt được 2 xe thồ su hào đi bán. Chiều về cộng tiền thì được hơn 70 ngàn đồng. Có những vụ không đủ tiền mua cây giống, phân bón, thế nhưng không bao giờ xảy ra cãi cọ nhau".

Bà Thanh bảo, bà may mắn vì gặp được người đàn ông hiền lành, yêu thương vợ con, sống chân chất, thật thà, chịu thương chịu khó. Có những hôm trời lạnh hoặc mưa, ông không cho bà ra đồng sớm. Ông tự đi một mình ra thu hoạch rau, chở về nhà để bà đem đi chợ bán. Sống ở bên cạnh ông, lúc nào bà cũng cảm thấy có một chỗ dựa vững chắc. 2 đứa con riêng của ông cũng coi bà như mẹ đẻ. Chị em yêu thương nhau, ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó. Giờ bà đã lên chức bà ngoại với 4 đứa cháu. Đến giờ, sống với nhau đã 25 năm, chưa bao giờ vợ chồng to tiếng với nhau. 

"Cho đến giờ, chắc không nhiều người còn nhớ chuyện tôi có hai đời chồng. Giờ ngẫm lại mới thấy đúng là trong cuộc đời, mọi sự gặp gỡ đều là duyên số. Tôi luôn biết ơn số phận vì đã đem đến cho mình người đàn ông biết yêu thương và có trách nhiệm. Hạnh phúc chính là biết yêu thương", bà Mai chia sẻ.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Bảo Khánh