Khóc cười “tứ đại đồng đường“: Tuổi già “đau đầu buốt óc“

Google News

(Kiến Thức) - "Từ ngày con trai tôi lấy vợ, tôi nhịn nhục con dâu đủ điều, nói gì tới hai chữ được dâu con chăm sóc. Giờ lại thêm gia đình đứa cháu, mọi thứ cứ nháo nhào cả lên, đau đầu buốt óc".

"Chẳng qua vì điều kiện nên đành chịu, chứ nếu có tiền, vợ chồng tôi đi ở chỗ khác ngay", bà Nguyễn Thị Vận (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc.

Đến cái quần nó còn vứt giặt riêng

Mỗi lần kể về nàng dâu, bà Vận  lúc nào cũng như có cả kho ấm ức trong người và mở đầu luôn là câu: "Nó láo, láo lắm". Cái "láo" đầu tiên theo bà Vận, là cô con "nói gì cãi nấy, mình chưa nói ra khỏi miệng có khi nó đã cãi xong rồi".

"Tôi chưa thấy người phụ nữ nào có cái kiểu dạy con như con dâu tôi và bây giờ là tới dạy cháu. Thằng bé lớn tướng rồi, đi học lớp 1 rồi mà vẫn được bà đút cho ăn. Cháu đòi gì bà chiều liền. Đồ đạc vứt ra khắp nhà, ăn uống bày bừa bề bộn cũng chẳng bị ai nhắc nhở. Mình bực quá, góp ý thì con dâu bảo, thế hệ mẹ ngày xưa các cụ đông con nên không được chiều chuộng, giờ khác rồi, mẹ đừng lấy cái khổ của ngày xưa áp vào bắt con cháu phải khổ theo", bà Vận kể.

Bữa ăn cũng vậy, người già ăn uống cần ăn đồ mềm, chín kỹ, giờ giấc điều độ thì cô con dâu chỉ nấu theo "lớp trẻ", nếu bố mẹ chồng có phàn nàn thì bảo: "Ông bà già rồi, ăn chẳng là bao, mà nấu theo ông bà thì cả nhà coi như bỏ bữa, nên thiểu số phải phục tùng đa số". Nhưng nỗi bức xúc nhất của bà Vận không phải ở chuyện cô con dâu "bật tanh tách" mỗi khi mẹ chồng góp ý, mà là việc con dâu không có một chút đạo hiếu  nào với bố mẹ chồng".

Một "kỷ niệm" khiến bà Vận không thể nào quên được là "đợt đó tôi ốm nặng, gần như liệt giường. Hôm ấy ông nhà tôi có việc đi vắng, tôi phải tự lê vào nhà tắm thay quần áo. Lát sau tôi vào đi vệ sinh thì thấy thằng cháu tôi tắm xong cũng vứt chung đồ của nó vào cái chậu quần áo bẩn của tôi. Tôi cứ ngỡ, con dâu rồi cũng sẽ giặt luôn đồ cho tôi. Không ngờ, hôm sau, tôi thấy nó vứt cái quần tôi chỏng chơ ở lại, chỉ ôm đồ nhà nó đi giặt, trong khi nó biết thừa tôi ốm đi còn chẳng vững", bà Vận bức xúc.

Những lúc không quá yếu, bà Vận lại đội nón đi dạo cho đỡ ngột ngạt...

Vì hoàn cảnh mà phải nhịn nhục

Bà Vận bảo, không chịu nổi cảnh cô con dâu hỗn hào, bà và ông ở tuổi 80 quyết định ra ăn riêng, tuy vẫn chung nhà, nhưng mọi sinh hoạt của ông bà chủ yếu chỉ ở trong căn phòng riêng. Bà buồn rầu: "Tôi đau ốm, bệnh tim, huyết áp hành hạ, người lúc nào cũng yếu rớt, mắt mấy năm nay lại mờ, mọi thứ đều trông vào ông ấy. Nghĩ con cháu đầy đàn ngay cạnh mà ngày ngày vẫn chỉ có hai vợ chồng già chăm nhau, mà chỉ là ông ấy chăm tôi, từ đi chợ, nấu ăn tới giặt giũ, nhiều lúc thấy cũng tủi lắm, nhưng biết làm sao được. Từ khi tôi ốm đến giờ, chưa bao giờ con dâu tôi hỏi tôi một câu rằng mẹ đau ở đâu, sức khỏe thế nào nói gì tới chuyện chăm sóc".

Tôi hỏi bà Vận, có phải ngay từ đầu con dâu bà đã đối xử quá đáng với bà hay không, hay tại bà đã có điều gì khiến chị ấy phật ý và phản ứng lại, bà Vận lắc đầu: "Tôi thừa nhận là về cách sinh hoạt, dạy dỗ cháu con... thì mỗi thế hệ một ý, nhưng bất đồng thì có thể bàn bạc, tìm cách giải quyết chứ không phải phừng phừng cãi lại, coi bố mẹ chồng không ra gì. Nhất là việc sống không có chút tình nào với bố mẹ chồng thì đó là do tính nết con người rồi".

Bà Vận than thở, từ khi cháu bà lấy vợ, sinh con thì cuộc sống chung còn ngột ngạt hơn nữa. "Con dâu tôi lại dạy chắt tôi theo những gì mà nó đã dạy con, làm hư đứa trẻ, động một chút không vừa ý là lăn quay ăn vạ, ăn uống quần áo bạ đâu vứt đấy, chúng tôi đau đầu buốt óc một mà cảm giác bất lực vì không dạy được con cháu mười. Cũng chỉ vì không có điều kiện mà phải sống chung thế này, nói thật, nếu có tiền, tôi đi chỗ khác ở ngay", bà Vận chia sẻ.

Ưu điểm của mô hình gia đình "tứ đại đồng đường" là tình cảm gia đình gắn bó, thắt chặt, con cháu nhận được sự chăm sóc, dạy dỗ của ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ nhiều hạn chế, đó là các mối quan hệ phức tạp, lối sống, cá tính khác nhau giữa những thế hệ. Chưa kể, lớp trẻ bây giờ với suy nghĩ thoáng, chỉ thích "bung" ra sống độc lập, tự do. Để khắc phục được điều này, mỗi người cần phải biết sống vì nhau, đừng bắt người khác phải sống theo sở thích, lối nghĩ của mình thì sẽ dung hòa được.
Giảng viên tâm lý học Vũ Thiện (trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định)
BÀI LIÊN QUAN


Mai Loan