Điều trị cao huyết áp kèm nhiều triệu chứng bất thường

Google News

Kinh nghiệm cho thấy, ở người cao tuổi khi thấy xuất hiện triệu chứng khác thường, tái đi tái lại hoặc kéo dài, thì nên được thăm khám xác định.

- Hỏi: Tôi năm nay 74 tuổi, có bệnh cao huyết áp với số đo thường là 160 - 170mmHg, chóng mặt hoa mắt. Kèm theo có triệu chứng đau ngang thắt lưng, đi tiểu nhiều nhất là về đêm, đại tiện thường lỏng nát, khàn giọng, thường xuyên mệt mỏi... Đi khám ở trạm xá và bệnh viện huyện thường chỉ cho điều trị cao huyết áp, nhưng không khỏi các hiện tượng trên. Xin hỏi tôi bị bệnh gì? Nguyễn Công Bảo (thôn Na Mẩy, Yên Trạch, Phú Lương, Thái Nguyên).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
BS Lê Quang Hồng trả lời: Qua phản ánh trong thư, hiện tại ở cụ có nhiều triệu chứng bất thường. Kinh nghiệm cho thấy, ở người cao tuổi khi thấy xuất hiện một triệu chứng khác thường, tái đi tái lại hoặc kéo dài, thì nên được thăm khám xác định, tránh ngâm bệnh, để một bệnh cấp tính có thể chữa dứt điểm nay lại trở thành mạn tính.
 
Đặc biệt, một số bệnh (tim mạch, ung thư...) thường thấy ở người già cần được phát hiện sớm mới đảm bảo được hiệu quả điều trị.

Các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, tiêu hóa, khàn giọng... mà cụ đang có, có thể chỉ là những trục trặc nhỏ lành tính thường gặp ở người già, ở người sẵn có cơ thể suy yếu, nhưng cũng có thể là dấu hiệu báo động của một loại bệnh hiểm nghèo đòi hỏi phải được thăm khám kiểm tra sớm.
 
Cụ nên tập trung quản lý và điều trị tốt bệnh cao huyết áp, vì tuy có được điều trị nhưng hiện vẫn chưa kiểm soát được bệnh (số đo huyết áp vẫn thường ở mức 160 - 170mmHg), các tai biến có thể xảy ra bất kể lúc nào, nhất là khi ngoài chỉ số huyết áp cao nếu cụ lại có thêm các yếu tố nguy cơ tim mạch khác (rối loạn mỡ máu, tiểu đường, dư thừa trọng lượng cơ thể, nghiện thuốc lá...).
 
Cụ cần phản ánh tình trạng này với bác sĩ đang chữa cho mình để có sự điều chỉnh phương pháp điều trị. Ngoài việc dùng thuốc hạ áp, cần kiểm soát loại bỏ các yếu tố nguy cơ tim mạch khác nếu có, đồng thời thay đổi loại bỏ các nếp sống bất lợi, quá tĩnh tại ít vận động thể lực.

Chứng đi tiểu nhiều, nhất là về đêm có một số căn nguyên cần được tầm soát, như sử dụng các thuốc hạ huyết áp có tính lợi tiểu mạnh; Có thêm bệnh tiểu đường (tỷ lệ bệnh nhân cao huyết áp có kết hợp thêm bệnh tiểu đường là 40%); Có bệnh phì đại tuyến tiền liệt, loại bệnh thường gặp ở người già...
 
Trường hợp chứng khàn giọng diễn biến kéo dài, cụ nên xin khám họng và thanh quản nhằm tầm soát một số bệnh lý quan trọng ở khu vực này.
 
Nếu gần đây mới xuất hiện sự rối loạn trong vận chuyển ở đường ruột và tính chất phân có sự thay đổi (đại tiện phân táo hoặc lỏng hay xen kẽ lúc táo lúc lỏng, đặc biệt có lẫn ít máu) thì nên đi nội soi đại tràng.
 
Về việc sử dụng thuốc chữa bệnh, cần thông qua thầy thuốc sau khi đã thăm khám xác định bệnh, tình trạng bệnh và điều kiện sức khoẻ.

PV (ghi)
[links()]