Uống nước chứa thủy ngân tôi phải làm sao?

Google News

"Con trai tôi 8 tuổi, lấy cặp nhiệt độ nhúng vào ấm điện có nước sôi. Nhiệt kế bị vỡ, thủy ngân rơi vào trong nước tôi lại pha mì cho con ăn".

Thưa bác sĩ! Con trai tôi 8 tuổi, lấy cặp nhiệt độ nhúng vào ấm điện có nước sôi. Nhiệt kế bị vỡ, thủy ngân rơi vào trong nước. Do không biết nên tôi đã lấy nước đó pha mì tôm cho cháu ăn, sau đó để nguội làm nước uống cho gia đình.

Tôi dùng ấm này đun nước uống trong một tuần liền, sau đó mới phát hiện ra trong ấm có một giọt thủy ngân tròn như viên bi xe đạp ở đáy. Tôi nghe nói thủy ngân có thể gây vô sinh hoặc quái thai. 

Xin cho biết phải làm gì, gia đình tôi có bị sao không ạ?".


Trả lời:

Thủy ngân là kim loại lỏng, màu trắng bạc, nặng, kém hoạt động hoá học, bền trong không khí, nước và các axit khác (chỉ tan trong axit nitric và axit sunfuric đặc). Nó tồn tại dưới 2 dạng: kim loại và ion. Cái mà bạn thấy ở đáy ấm là thuỷ ngân kim loại. Thuỷ ngân dạng này chỉ độc ở thể hơi, khi qua đường hô hấp, nó chuyển thành anbuminat hoà tan vào máu.

Tuy nhiên, nó không độc với đường tiêu hoá.

Trái lại, thuỷ ngân dạng ion nếu đi qua đường tiêu hoá có thể trở nên rất độc. Nó có thể gây thoái hoá tổ chức, làm tê liệt chức năng các men… Khi uống phải thuỷ ngân clorua liều cao (0,2 g-0,3 g), niêm mạc đường tiêu hoá có thể bị bỏng, loét, người bệnh nôn ra máu và chất nhầy, thân nhiệt hạ, vô niệu… Liều nhỏ (0,4 mg-1 mg/ngày), dùng liên tục trong nhiều ngày, thường dẫn đến các triệu chứng rối loạn tiêu hoá, viêm lợi, rối loạn tâm thần.

Bạn có may mắn là chỉ tiếp cận với thuỷ ngân kim loại. Nó không tan trong nước và hầu như không gây độc khi đi qua đường tiêu hoá. Vì vậy không nên quá lo lắng.

Theo BS Vũ Hướng, Sức khỏe & Đời Sống