“Bàn tay vàng” trong mổ nội soi khớp gối

Google News

Nói đến mổ nội soi khớp gối tại Việt Nam, không ai trong ngành y không biết đến PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình 1, BV Việt Đức. 

Người đã lập “kỷ lục” với con số trên 10.000 ca mổ nội soi khớp gối trong tổng số hơn 30.000 ca phẫu thuật mà ông đã thực hiện thành công trong 20 năm gắn bó với nghề của mình.
“Ban tay vang” trong mo noi soi khop goi
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh khi chía sẻ với phóng viên về kỹ thuật mổ nội soi khớp gối. Ảnh: VGP/Thúy Hà. 
20 năm tuổi nghề với hơn 30.000 ca mổ thành công
Được đào tạo bài bản từ Pháp, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh là người tiên phong trong việc đưa kỹ thuật nội soi khớp gối về Việt Nam từ những năm 2000 và cũng là bác sĩ đầu tiên của BV Hữu nghị Việt Đức mổ nội soi khớp gối, thay khớp gối, khớp háng toàn phần cho người bệnh.
Khi thực hiện ca mổ nội soi khớp gối đầu tiên tại BV Hữu nghị Việt Đức, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh chia sẻ, anh gặp rất nhiều khó khăn như bệnh viện chưa có dàn máy phục vụ mổ nội soi, chưa có bác sĩ được đào tạo về lĩnh vực này. Tuy nhiên, được sự ủng hộ của lãnh đạo bệnh viện, cùng với đức tính chịu khó, kiên trì, cẩn thận, tỉ mỉ của một bác sĩ nội trú chuyên ngành Ngoại khoa, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh khi đó đã tận dụng tối đa đồ viện trợ để sử dụng cho kỹ thuật hoàn toàn mới này tại Việt Nam, dù không đồng bộ.
“Khi thực hiện phẫu thuật, thậm chí không có bộ cảm biến tự cân bằng, tôi đã phải dùng cách thủ công là bơm nước vào khớp gối trong quá trình mổ”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh chia sẻ.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chàng sinh viên nội trú ngày nào đã nhanh chóng khẳng định tay nghề của mình bằng chính những ca mổ thành công đầu tiên, lấy “trọn” niềm tin của lãnh đạo Bệnh viện. Sau đó, Bệnh viện từng bước đầu tư các thiết bị kỹ thuật hiện đại và từ năm 2010, kỹ thuật này được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
“Tiếng thơm vang xa”, số lượng bệnh nhân ở các địa phương đến Bệnh viện ngày một nhiều. PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cùng với đồng nghiệp của mình trực tiếp mổ gần 2.000 ca mỗi năm. Cứ thế, đến nay ‘bàn tay vàng” của nam bác sĩ tài hoa này đã mổ thành công hơn 30.000 ca liên quan đến khớp gối, khớp háng… trong đó có tới 10.000 ca nội soi khớp gối mà hầu như không để lại biến chứng.
Mới đây nhất, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh đã trực tiếp phẫu thuật cho tuyển thủ quốc gia Phạm Thị Tươi từng giành huy chương vàng SEA GAMES 30, do bị đứt dây chằng chéo sau khớp gối. Ca mổ thành công ngoài mong đợi, từ những lo lắng “uy hiếp” đến sự nghiệp với trái bóng thì giờ nữ tuyển thủ chỉ còn chờ thời gian hồi phục hẳn để tiếp tục đứng lên “gặt hái” nhiều thành công hơn nữa.
Nhiều bệnh nhân bị ngã, bị tai nạn, gãy khớp háng, khớp gối, phải nằm liệt giường, chịu đựng những cơn đau hành hạ, rồi nghệ sĩ có niềm đam mê khiêu vũ bị nhức đầu gối nhiều năm, không thể đi lại… Họ đều đã “rũ bỏ” được bệnh tật, đau đớn để trở lại với cuộc sống bình thường nhờ kỹ thuật nội soi.
“Ban tay vang” trong mo noi soi khop goi-Hinh-2
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh trong ca mổ thay nổi soi khớp gối cho bệnh nhân. Ảnh: VGP/Thanh Hằng. 
Từ đam mê tới sự bài bản
Nối nghiệp ngành y từ cả bố và mẹ, ngày đó, chàng thanh niên chuyên Hoá của Trường cấp 3 Amsterdam đã lựa chọn bộ môn ngoại để theo đuổi.
“Hơn 25 năm trước, các bộ môn ngoại tim mạch, ngoại tiêu hoá… mới là những ngành “hot”, còn chấn thương chỉnh hình thì không sinh viên y nào muốn theo. Vì chuyên ngành này khi đó chưa phát triển cả kỹ thuật và trang thiết bị cũng như nhân lực, mà chỉ có các kỹ thuật đơn giản như mổ gãy xương đùi, cẳng chân, cẳng bàn tay, hoặc bó bột rồi cho bệnh nhân ra về”, PGS Nguyễn Mạnh Khánh chia sẻ.
Nhưng với những suy nghĩ vô tư và đọng lại nhiều hình ảnh bệnh nhân của một cậu bé theo cha mẹ vào viện từ những ngày chập chững biết đi, đến sự đam mê khi quyết định lựa chọn con đường cho riêng mình, chàng thanh niên ấy đã nhìn thấy nhiều điều thú vị ở bộ môn chấn thương chỉnh hình từng bị coi là kỹ thuật “đục đẽo”, không phải tinh hoa, đó là hiệu quả điều trị rõ rệt sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục nhanh, ít để lại biến chứng…
Trong quá trình là bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh đã vượt qua các kỳ thi tuyển khăt khe, để trở thành 1 trong 5 người ở khu vực miền Bắc và Bắc miền Trung sang Pháp học tập và làm việc. Tại đây, anh đã được học hỏi và đào tạo bài bản trong nhiều năm. Anh đã chọn kỹ thuật nội soi khớp gối để làm luận văn Thạc sĩ bằng tiếng Pháp và trở thành bác sĩ đầu tiên ở Việt Nam được học bài bản về lĩnh vực này.
Đến nay kỹ thuật mổ nội soi khớp gối của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã được chuyển giao tới nhiều bệnh viện tuyến tỉnh như Hà Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Bản thân PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cũng là người đầu tiên của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trực tiếp lên “nằm vùng” cả tháng trời ở Hà Giang, Yên Bái, để đào tạo chuyển giao kỹ thuật nội soi khớp gối cho tuyến tỉnh – kỹ thuật khi đó còn rất mới mẻ với các địa phương.
“Đi xa, đi lâu ngày, vừa mệt mỏi, vừa căng thẳng mà cũng thương và nhớ vợ con. Nhưng tôi hiểu rõ rằng, việc chạy ngược chạy xuôi của mình đến các tỉnh là một sự “đánh đổi”, khi giúp cho rất nhiều người dân không phải đi xa điều trị như trước”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh chia sẻ.
Hiện nay, các bệnh viện tỉnh đều đã mổ được kỹ thuật này, người dân địa phương đã không còn phải về tận Hà Nội để điều trị, tăng thêm cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống mà lại tiết kiệm được nhiều chi phí đi lại, ăn ở.
Để không tụt hậu, hằng năm, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh vẫn tiếp tục sang các nước Mỹ, Pháp, Singapore, Thái Lan… để học hỏi và tiếp thu các kỹ thuật mới. Với những nỗ lực trong suốt hơn 20 năm qua, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Phó Giáo sư năm 41 tuổi, được nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua… Ông cũng vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Theo Thúy Hà/Chinhphu.vn