|
Căn phòng “không âm vang” này yên tĩnh tới mức nó gần như vô âm. |
Bất cứ ai ngồi trong căn phòng im lặng “không âm vang” đều sẽ bắt đầu nghe thấy nhịp tim, tiếng khớp xương va chạm mỗi khi di chuyển. Cuối cùng, khi mà sự nhân thức về không gian bị mờ nhạt, người trong phòng sẽ dần dần mất cân bằng. Nguyên nhân rất đơn giản: mọi tiếng động ở thế giới bên ngoài đã bị “khóa” chặt còn bất kỳ tiếng động nào bên trong đều trở nên “sắc” đến lạnh gáy.
Sự im lặng rợn người
“Ngay khi vào phòng, con người sẽ lập tức có một cảm giác lạ lùng và độc đáo đến khó tả”, ông Hundraj Gopal – một nhà khoa học về nói và thính giác, đồng thời là nhà thiết kế chính cho căn phòng không âm vang mô tả. “Hầu hết mọi người đều cảm thấy sự thiếu vắng của âm thanh rợn gáy, tai của họ trở nên ‘nhạy’ hơn bao giờ hết. Một âm thanh nhỏ thoáng quá cũng trở nên rõ ràng bởi tiếng ồn xung quanh cực kỳ nhỏ. Khi quay đầu, bạn có thể ‘nghe’ thấy chuyển động của mình hay nghe thấy tiếng mình thở rất to”.
Theo ông Gopal giải thích, tai của con người luôn hướng tới một số mức độ âm thanh nên trên màng nhĩ luôn có áp lực của không khí. Tuy nhiên khi vào căn phòng “không âm vang”, áp lực không khí vốn luôn hiện hữu lại biến mất bởi không hề có âm vang phản lại từ những bức tường xung quanh.
Thiết kế hành tây
|
Căn phòng có thiết kế giống một củ hành tây nhằm đạt được sự im lặng tuyệt đối. Ảnh: CNN. |
Để đạt được sự im lặng tuyệt đối, căn phòng đặc biệt được thiết kế giống như một củ hành tây, tách biệt không giản bên trong với bên ngoài.
Cụ thể, căn phòng được tạo thành từ 6 lớp bê tông cốt thép, nằm trên một dãy lò xo giảm chấn. Ở bên trong, tường được cách âm kép làm từ thép, từng chi tiết được tính toán chính xác. Ngoài ra, tường còn phủ thêm lớp sợi thủy tinh để tăng phần loại bỏ tạp âm. Không chỉ có vậy, sàn của căn phòng cũng được phủ một lớp sợi cáp hấp thụ âm thanh.
“Chúng tôi mất tổng cộng hơn một năm rưỡi cho việc thiết kế, lên kế hoạch và xây dựng”, ông Gopal xác nhận. “Ngoài việc chọn một nơi đủ im lặng để xây phòng, chúng tôi còn phải xây dựng một lớp tường bê tông đặc biệt dày 30cm bao bọc căn phỏng để ngăn chặn thêm các âm vang”.
Thiết kế tuyệt vời cùng với quá trình thi công cẩn thận đã mang lại kết quả đáng kinh ngạc: Mức độ âm thanh đo được bên trong là -20,3dBA – thấp hơn hoàn toàn so với mức độ âm thanh mà con người có thể nghe được. Như vậy, một âm thanh nhỏ nhất tai người có thể nghe được trong căn phòng im lặng (có mức độ âm thanh là 10dB) sẽ vẫn là quá “ồn ào” với căn phòng “không âm vang”.
Hiện tại, căn phòng của Microsoft đã vượt qua một căn phòng tương tự ở Phòng thí nghiệm Orfield thuộc thành phố Minneapolis (Mỹ) để trở thành nơi yên tĩnh nhất thế giới. Tuy nhiên, khác với căn phòng ở Minneapolis, căn phòng ở Washington lại không “chào đón” các du khách.
Tác dụng của căn phòng “không âm vang”?
|
Microsoft dùng căn phòng của mình để thử nghiệm nhiều loại sản phẩm khác nhau. Ảnh: CNN. |
Theo CNN, căn phòng “không âm vang” thường được dùng để kiểm tra độ ồn và âm thanh từ nhiều sản phẩm có độ tin cậy khoa học cao.
Microsoft dùng căn phòng này để thử các thiết bị âm thành như microphones, âm ly, tai nghe, mic hoặc để phân tích các tiếng động từ các thiết bị máy tính như bàn phím, chuột, quạt tản nhiên hoặc các mô-đun ánh sáng nền của các bảng hiện thị hoặc bảng cảm ứng. Được biết, căn phòng của Microsoft đã có công không nhỏ trong việc tạo ra các sản phẩm như dòng máy tính bảng Surface, máy chơi game Xbox, kính thực tế ảo HoloLens và cả những phần mềm như Skype hay trợ lý ảo Cortana.
Trái ngược với những lời đồn đại trước đó, hiện vẫn chưa thực sự có một “kỷ lục thế giới” cho thời gian ngồi liên tục lâu nhất trong căn phòng. Tuy nhiên, kiểu thử thách này không được các chuyên gia khuyến khích. Nguyên nhân là bởi não bộ của chúng ta sẽ vận động hết công suất để cố gắng tìm thấy một âm thanh gì có thể nghe được trong trạng thái tĩnh lặng hoàn toàn, dẫn tới việc tâm trí con người bắt đầu rơi vào ảo giác nếu ngồi quá lâu.
“Thời gian ngồi trong phòng lâu nhất là khoảng 55 phút”, ông Gopal xác nhận.” Tôi nhận thấy rằng một số người có thể ngồi trong tầm 30 phút hoặc hơn còn nhiều người khác đã yêu cầu được ra ngoài chỉ sau vài giây”.
Theo Tiểu Đào/Dân Việt