Chiêu trò lố bịch, trây ì của nhà thầu Trung Quốc

Google News

Chào thầu giá thấp, khi trúng thầu thi công ì ạch. Nhiều nước đang mòn mỏi chờ ngày khánh thành những công trình do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm.

Theo trang The Malaysian Insider ngày 12-7, chính quyền Malaysia đã phải có cam kết việc “không làm gì” với phía Singapore về hai dự án lớn trên đất nước mình. Trước đó, người Singapore phản ứng rất mạnh về việc Malaysia hợp tác với công ty Trung Quốc Country Garden Holdings xây dự án đảo sinh thái nhân tạo tại eo biển Johor.
Còn báo Wall Street Journal hôm 1-5 đưa tin chính quyền Iran đã hủy hợp đồng trị giá 2,5 tỉ USD ký với Tổng công ty Dầu khí Trung Quốc (CNPC). Theo đó, CNPC phải khoan 185 giếng dầu tại mỏ nam Azadegan. Đến hạn, chỉ có bảy giếng hoạt động. Một quan chức Iran (giấu tên) tiết lộ nguyên do: CNPC cung cấp thiết bị và dịch vụ khoan chất lượng quá thấp so với tiêu chuẩn khiến dự án trì hoãn.
Công nhân Trung Quốc tại Ethiopia. Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Phi cho biết đầu tư của Trung Quốc tại lục địa đen chẳng đem lại lợi ích gì về việc làm cho địa phương. Ảnh: AFP. 
Chào giá cực rẻ
Những câu chuyện lo lắng với nhà thầu Trung Quốc giờ đây không còn là cá biệt. Tờ Front Page Africa hồi tháng 6 đề cập việc nhà thầu Trung Quốc trùng tu công trình dinh tổng thống Liberia đã đem lại kết quả ra sao. “Hàng triệu USD được chi cho dự án cải tạo này, nhưng kết quả sau cùng rất khiêm tốn” - tờ này nhận định. Một số kỹ sư (giấu tên) còn tố cáo “nhà thầu Trung Quốc tuồn vật liệu xây dựng kém chất lượng vào tòa nhà. Họ thay gạch hoa cương lát nền kiểu Do Thái bằng thứ gạch gốm có chất lượng thấp hơn. Thang máy Otis và hệ thống đèn chùm chiếu sáng nhập từ London cũng bị thay bằng thang máy và đèn kém chất lượng nhập từ Trung Quốc”.
Hai trường hợp trên nằm trong làn sóng chiếm lĩnh các dự án quan trọng của nhà thầu Trung Quốc từ châu Phi sang Trung Đông và Đông Nam Á. Như dẫn chứng từ Front Page Africa: trong dự án xây chỗ ở cho công nhân Công ty mỏ Bong (Liberia) gần đây, 4/8 hồ sơ dự thầu đến từ Trung Quốc. Tại Malaysia cũng ghi nhận thời kỳ bùng nổ các dự án do công ty Trung Quốc làm chủ thầu sau năm 1990.
Điều gì khiến các công ty này tạo nên lợi thế áp đảo? Tờ Globes của Israel chạy tít “Trung Quốc chào thầu dự án xây cảng ở mức thấp nhất”, khi nhà thầu thuộc Bộ Giao thông Trung Quốc chào giá dao động từ 3,1-3,4 tỉ USD, còn các công ty Israel chào giá 4 tỉ USD cho mỗi cảng xây tại hai thành phố Ashdod và Haifa. Nếu chọn nhà thầu Trung Quốc, Israel tiết kiệm đến 1,5 tỉ USD - một con số khổng lồ. Chính giá chào thầu cực rẻ tạo nên lợi thế cạnh tranh.
Trang Simplymalaysia còn nhận định chính nhu cầu phát triển hạ tầng tại các nước đang phát triển là nền tảng vững chắc cho các nhà thầu Trung Quốc phát triển. Ngoài ra, các nhà thầu này còn tiếp cận được nguồn tài chính dồi dào do Chính phủ Trung Quốc bảo trợ. Những ngân hàng như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China EximBank) đứng ra bảo lãnh các khoản vay với điều kiện “dễ thở” giúp các nhà thầu Trung Quốc tự tin tham gia dự án ở nước ngoài.
Có đủ giải pháp ngăn chặn
Trước làn sóng lấn át của nhà thầu Trung Quốc với các dự án trọng điểm, giải pháp được nhiều nước đặt ra là minh bạch hóa quy trình đấu thầu, siết chặt các quy định về chất lượng công trình. Trang tin allafrica.com nhận định chính phủ các nước nên mở cửa cho các nhà thầu khác tham gia thay vì chỉ dựa vào nhà thầu Trung Quốc.
Dẫn chứng tại Sierra Leone, allafrica.com cho biết những dự án xây đường do Liên minh châu Âu tài trợ mà các công ty Trung Quốc không được tham gia đấu thầu, tiến độ xây dựng được tuân thủ. Chọn đúng nhà thầu có năng lực và trách nhiệm, vì thế quan trọng hơn chênh lệch về giá chào thầu.
Khi nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, một số nhà thầu Trung Quốc đã “bỏ cuộc”. Tờ Saudi Gazette đưa tin một số nhà thầu Trung Quốc đã rút khỏi các dự án của Chính phủ Saudi Arabia khi không đáp ứng được nguồn cung vật liệu xây dựng chất lượng. Điều này cho thấy lợi thế chào thầu giá cực thấp bị phá vỡ khi yêu cầu nâng chất lượng lên. Khác biệt về hình thái kiến trúc xây dựng khác nhau ở các nước cũng khiến những nhà thầu thiếu kinh nghiệm chùn bước.
Các biện pháp khác như đảm bảo nhà thầu phải sử dụng một lực lượng lao động địa phương nhất định trong các dự án xây dựng do các nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm cũng đang được các nước cân nhắc. Hôm 4-7, báo chí Zambia đưa tin lãnh đạo địa phương ở Choma đã yêu cầu một nhà thầu Trung Quốc ở tỉnh Giang Tô (trúng thầu làm 30km đường tại Choma) phải nhận nhân công địa phương vào làm việc và họ đã được đáp ứng.
Tuy nhiên, xét về phương diện tổng thể, các biện pháp kể trên sẽ mất tác dụng nếu còn tồn tại quan liêu, tham nhũng. Quá trình đấu thầu không minh bạch là con đường để những nhà thầu kém chất lượng thò tay vào những dự án trọng điểm.
Hai lợi thế
Tờ Financial Times đã quy về hai nguyên nhân để Trung Quốc tự tin chào thầu rẻ: giá thuê nhân công rẻ và đồng nhân dân tệ được Bắc Kinh kìm giá thấp.
Nhân công rẻ khiến giá thành xây dựng giảm
Đồng nhân dân tệ được định giá thấp giúp các nhà thầu Trung Quốc lãi to khi nhập vật tư, trang thiết bị xây dựng, máy móc, công nghệ “made in China” sang công trường xây dựng ở nước thứ hai (nơi trúng thầu). Ở những quốc gia mà quy định về tiêu chuẩn nhân công và nguồn gốc vật tư xây dựng không được giám sát chặt, nhà thầu Trung Quốc dễ dàng lợi dụng.

Theo Tuổi Trẻ