Giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Google News

Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành có những nội dung đổi mới, quan tâm hơn đến việc bảo đảm quyền, nghĩa vụ cho người nghèo, đồng bào DTTS.

Nhà nước có chính sách về đất ở, đất sản xuất, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng; tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất để sản xuất nông nghiệp.
Giai quyet van de thieu dat san xuat o vung dong bao dan toc thieu so
 
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS đã có những đóng góp tích cực sau đây: Đảm bảo sinh kế, nâng cao đời sống cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; Đảm bảo ổn định xã hội, tạo sự công bằng và bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc; Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng các khu định canh định cư tập trung, phân tán cho đồng bào ổn định đời sống đã hạn chế và ngăn chặn nạn phá rừng để lấy đất canh tác và làm nương rẫy.
Tuy vậy, hiện nay cả nước có khoảng 378 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất với tổng diện tích khoảng 211 nghìn ha; trong đó có gần 372 nghìn hộ có nhu cầu hỗ trợ (trong đó có hơn 291 nghìn hộ có nhu cầu hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất với diện tích khoảng hơn 177 nghìn ha và gần 80 nghìn hộ có nhu cầu hỗ trợ bằng tiền; chuyển đổi nghề nghiệp; xuất khẩu lao động, mua sắm máy móc, con giống,...).
Nguyên nhân đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất là do nghèo đói nên đã chuyển nhượng, cầm cố đất đai và không có khả năng mua, chuộc lại; do bị thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc rà soát, sắp xếp đất đai do các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng quản lý, sử dụng còn chậm và không hiệu quả: Các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng một diện tích đất đai rộng lớn chủ yếu nằm ở khu vực đồng bào DTTS, đặc biệt là các DTTS ít người sinh sống nhưng hoạt động kém hiệu quả; trong khi đó quỹ đất đai để giao cho đồng bào sử dụng thì còn hạn chế.
Tại nhiều nơi, nhiều địa phương còn diễn ra tình trạng đồng bào DTTS sau khi được Nhà nước giao đất sản xuất theo các chính sách hỗ trợ nhưng đã chuyển nhượng lại đất cho người khác. Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương quản lý đất đai chưa tốt, còn buông lỏng trong quản lý (cho thuê, cho mượn, tranh chấp, đất bị lấn chiếm,...Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn có tập quán du canh, du cư, di cư tự do; chưa quan tâm đến việc đăng ký, xác lập quyền sử dụng đất nên dễ dẫn đến tình trạng lấn, chiếm, tranh chấp và đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu đất sản xuất tại chỗ.
Chính vì thực trạng trên đây mà khi phê duyệt chương trình tổng thể phát triển KT-XH bền vững vùng Dân tộc thiểu số và Miền núi, Quốc hội đã quyết định xây dựng 10 dự án trọng điểm, trong đó có dự án tập trung giải quyết Đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt với muc tiêu đến năm 2025, cơ bản giải quyết xong vấn đề thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào Dân tộc thiểu số.
Đó là một chủ trương rất đúng đắn và kịp thời. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế của Trung tâm nghiên cứu Quyền con người vùng dân ộc, miền núi tại 10 tỉnh Tây Nam Bộ năm 2018 và tham gia đoàn giám sát của Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội về thưc hiện chính sách dân tộc năm 2019- 2020, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề sau đây:
1. Nhiều địa phương không còn quỹ dất, nên không thể giải quyết được mục tiêu đất sản xuất; có một số nơi có thể thu hồi được đất, nhưng giá đất cao hơn nhiều lần tiền đền bù, tiền cấp từ Ngân sách và vốn vay từ ngân hàng chính sách không đồng bộ, nên không thể thu hồi; có nhiều nơi thu hồi đựơc đất từ các Nông Lâm trường, nhưng đất cằn cỗi, sỏi đá, người dân không thể sản xuất.
2. Chủ trương của chính phủ rà soát, thu hồi đất các Nông lâm Trường sử dụng không hiệu quả đê giao lại cho dân, nhưng thực tế chỉ có các Nông Lâm Trường do địa phương quản lý thực hiên việc thu hồi, còn các Nông Lâm Trường do các Bộ, ngành ở Trung ương quản lý thì khó thực hiện, nhất là từ khi giao quyền quản lý về cho Ủy ban quản lý vốn nhà nước.
Từ đó, để giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, đảm bảo quyền sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số , chúng tôi kiến nghị:
Thứ nhất, Xác định rõ hơn mục tiêu giải quyết đất sản xuất cho đồng bào Dân tộc thiểu số không phải chỉ là có đất, mà là tạo sinh kế bền vững, nơi còn quỹ đất thì có chính sách đủ nguồn lực để thu hồi cấp cho đồng bào, ở những nơi không còn quỹ đât thì tập trung chuyển đổi nghề, miễn sao có thu nhập ổn đinh, tạo sinh kế bền vững.
Thứ hai, Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến quyền tiếp cận đất đai của đồng bào DTTS: Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của Luật đất đai về việc giao đất Rừng Đặc dụng, Phòng hộ và Rừng sản xuất cho đồng bào, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Lâm nghiệp; quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tại vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như về mặt bằng sản xuất, kinh doanh (được miễn tiền thuê đất và thuế sử dụng đất với thời hạn quy định cụ thể tuỳ theo từng địa bàn); được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; được quỹ hỗ trợ đầu tư xem xét cho vay tín dụng trung hạn và dài hạn.
Thứ ba, thực hiện hiệu quả việc tạo quỹ đất phục vụ việc hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS: Rà soát lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp theo quy định, trong đó quan tâm việc bố trí ổn định các khu dân cư, khu sản xuất cho đồng bào, đảm bảo phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; đẩy nhanh tiến độ rà soát thu hồi diện tích đất đai của các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp trả lại cho địa phương; bố trí đủ vốn để tổ chức đo đạc, xác định cụ thể ranh giới, diện tích đất để giao đất sản xuất, cấp Giấy chứng nhân cho các hộ gia đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất; hỗ trợ khai hoang tạo quỹ đất sản xuất gồm: Khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang, nương rẫy cho hộ đồng bào các dân tộc thiểu số chưa có hoặc thiếu đất sản xuất.
Thứ tư, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai cho đồng bào DTTS; hỗ trợ để đồng bào quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ đất sản xuất đã giao, có các giải pháp quản lý theo cộng đồng, không cho chuyển nhượng
TS Hoàng Xuân Lương