Khởi nguồn một làng gốm
Nằm cạnh con sông Cầu đẹp thơ mộng với ba mặt giáp sông, làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang từng là một trong những trung tâm nổi tiếng về nghề sản xuất gốm sứ những thời kỳ trước. Là một ngôi làng trên bến dưới thuyền buôn bán gốm sứ tấp nập, gốm Thổ Hà là cái nôi của nghề gốm xứ Kinh Bắc ngày xưa.
Theo gia phả của làng để lại thì nghề gốm của làng có từ thế kỉ 12, được hình thành vào cuối thời Lý. Thổ Hà chuyên về gốm sắc đỏ nên sản phẩm có màu đỏ, thẫm hay da lươn, chủ yếu là chum vại, chĩnh, bát âu, tiểu sành… Ngày xưa, ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, đó là những vật dụng phổ biến trong từng ngôi nhà. Đa số những vại lu đựng nước, những chum tương hay bát để ăn đều là sản phẩm của gốm Thổ Hà. Gốm Thổ Hà nổi tiếng về chất lượng và sự bền bỉ, khi đựng chất lỏng không bao giờ sợ rò rỉ, đựng chất rắn không bao giờ sợ bị ẩm và khi gõ lúc nào cũng kêu đanh như thép, dù để lâu đến đâu cũng không bị phai nhạt hay mất men.
Để tạo ra các sản phẩm, thợ gốm Thổ Hà phải mua loại đất sét đặc biệt có màu xanh dẻo dai từ các nơi khác rồi dùng thuyền chở về. Và chỉ có đất ở Yên Phong và Xuân Lai cách đó rất xa mới đáp ứng được yêu cầu để làm gốm. Gốm Thổ Hà cũng không cần dùng men bởi khi nung ở nhiệt độ cao lên tới 400 độ thì men sẽ tự chảy ra.
|
Một bức tường của ngôi nhà xây bằng tiểu sành còn lại. |
Những ngôi nhà độc đáo bằng tiểu sành
Trước kia, gốm Thổ Hà từng là nơi hưng thịnh nhất trong ba trung tâm gốm (Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà) do những sản phẩm gốm gắn liền với đời sống người dân đồng bằng Bắc Bộ. Hầu như trong gia đình nào ở Bắc Bộ ít nhiều có sự hiện diện của sản phẩm gốm Thổ Hà. Ở kinh thành Thăng Long ngày trước cũng có rất nhiều chợ lớn buôn bán gốm Thổ Hà.
Đến nay, tuy làng nghề không còn nhưng ở đây vẫn tồn tại những ngôi nhà, những bức tường xây bằng tiểu sành khá độc đáo và có lẽ là duy nhất ở Việt Nam. Theo ông Cáp Trọng Việt (SN 1958) - trưởng thôn Thổ Hà, những ngôi nhà này có từ rất lâu đời, được xây bằng chính những phế phẩm trong khi sản xuất. Từ ngày xưa, do sản xuất nhiều nên thi thoảng có những mẻ gốm bị hỏng hóc, sứt mẻ không bán được, dân làng đem ra chất đống ở bờ sông. Nhìn thì tiếc lắm nhưng chẳng biết làm gì, một người trong làng đã nghĩ ra cách tận dụng những phế phẩm dùng để xây tường. Mới đầu chỉ là tường vành bao, nhà bếp, chuồng gà nhưng khi thấy những bức tường này chắc chắn, rất bền, lại thoáng mát thì dân làng bắt đầu dùng để xây thành nhà ở.
Vật liệu xây những ngôi nhà này chủ yếu là tiểu sành đựng xương người vì tiểu sành có hình vuông nên xây dựng rất dễ, lại được nung kỹ nên chắc chắn và bền. Hơn nữa, tiểu sành cũng là sản phẩm chủ đạo được sản xuất nhiều nhất của làng nghề nên phế phẩm cũng rất nhiều. Để xây được những bức tường này cũng cần có sự khéo léo của người thợ xây vì phải biết cách úp tiểu sành sao cho có độ vững chắc. Chất liệu để gắn các tiểu sành không phải vôi vữa mà người ta dùng lầm - một loại đất dẻo dính dùng để trát lò gốm chịu nhiệt cao. Những bức tường này có tuổi thọ rất cao vì tiểu sành không bao giờ bị mục nát, vì vậy ông Việt cho biết có những bức tường tuổi thọ vài trăm năm cũng chưa hề hấn gì.
Tuy nhiên, những ngôi nhà này giờ đây còn rất ít, do sự phát triển đi lên của xã hội và cũng vì thời gian nên những kiến trúc độc đáo này dần mất đi. Những năm trước đây, khi kinh tế phát triển, người làng chuyển sang xây nhà bằng gạch để rộng rãi hơn, to đẹp hơn. Khi trùng tu lại nhà, nhiều người cũng làm mất đi nét kiến trúc cổ xưa. Hiện nay, theo thống kê, những bức tường xây bằng tiểu sành chỉ còn vài chục bức. Còn nhà xây hoàn toàn bằng tiểu sành thì chỉ còn khoảng chục cái mà thôi.
|
Bến sông Thổ Hà và những tiểu sành được xếp trên bến sông. |
Bất lực nhìn làng nghề biến mất
Nhiều khách thập phương lần đầu đi vào trong những ngôi nhà được xây cất bằng tiểu sành thấy lành lạnh và không khỏi rùng mình, có người còn thấy sợ. Nhiều người cho rằng chính vì xây bằng tiểu sành dùng đựng xương người chết nên những nhà này mới lạnh như thế. Nhưng họ không biết rằng gốm tiểu sành ngăn nhiệt rất tốt nên thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào đông. Dù mùa hè nắng nóng đến đâu mà ở trong những ngôi nhà đó vẫn thấy mát mẻ bình thường vì hơi nóng không xuyên qua được tường sành.
Trong làng hiện nay còn những nhà có tuổi thọ lâu đời như nhà của cụ Trịnh Quang Quý (80 tuổi). Ngôi nhà đã trải qua hàng mấy trăm năm, nhiều thế hệ trong gia đình cụ Quý đã được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà này. Cho tới đời cụ vẫn còn 3 thế hệ ở đó, con cháu cụ ngay từ nhỏ đã chơi đùa, quen thuộc với những bức tường tiểu sành. Hay như cụ Nguyễn Thị Dinh ở xóm 3 cũng vẫn giữ được ngôi nhà nguyên bản toàn bằng tiểu sành.
Tuy nhiên, trưởng thôn của làng Thổ Hà tâm sự, những người sống dưới mái nhà bằng tiểu sành này vẫn có một điều day dứt là không giữ được nghề của cha ông. Cái nghề được tổ tiên duy trì gần nghìn năm nay giờ chỉ còn là hoài niệm. Trải qua thời gian cùng với sự phát triển của xã hội, gốm Thổ Hà dần bị mai một và biến mất. Có nhiều lý do nhưng có hai lý do chính là vào thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, làng nghề tập trung làm theo mô hình hợp tác xã, sau này kinh tế khó khăn hợp tác xã thua lỗ nên nhiều người đã dần chuyển nghề khác. Thứ hai là do đồ nhôm nhựa phát triển rất mạnh nên đồ sành sứ không còn được dùng nhiều như ngày xưa, sản phẩm làm ra chẳng bán được nên người dân cũng dần bỏ nghề.
Nay chẳng còn hình ảnh ngôi làng từng tấp nập trên bến dưới thuyền, có chăng chỉ là những chuyến phà chở khách sang sông. Một vài chuyến đò chở khách du lịch ghé qua thăm những ngôi nhà độc đáo còn sót lại. Người dân giờ đây sống chủ yếu bằng sản xuất mì và bánh đa nem. Làng nghề gốm Thổ Hà chỉ còn là dĩ vãng bên dòng sông Cầu. Nhưng những bức tường bằng tiểu sành đó vẫn tồn tại với thời gian và nhắc con cháu Thổ Hà nhớ về một làng nghề truyền thống của cha ông nơi đây.
Theo Lao động