Quá trình “sa lầy” trong biệt thự cổ của Cadasa

Google News

(Kiến Thức) - Nếu đến thời hạn cuối, Cadasa không nộp đủ tiền thuê thì hợp đồng sẽ đình chỉ, bị thu hồi toàn bộ khu biệt thự cổ để giao cho nhà đầu tư khác.

Trong quá khứ, vào những năm đầu thế kỷ XX, cụm biệt thự cổ trên đường Trần Hưng Đạo được xây dựng để dành riêng cho quan lại người Pháp sinh sống và làm việc ở Đà Lạt. Mỗi căn biệt thự là một công trình kiến trúc thực sự sáng tạo, tiêu biểu và hiện đại theo kiểu miền Bắc nước Pháp thời bấy giờ. Diện tích sử dụng cho mỗi căn từ 300 – 1.000m2, bao gồm các đại sảnh, phòng khách sang trọng, lò sưởi ấm cúng…
Tuy nhiên, sau đó, cụm biệt thự này bị rơi vào thảm cảnh bị bỏ hoang tới hàng chục năm vì chưa tìm được nhà đầu tư. Điều này khiến nhiều hạng mục của cụm biệt thự vốn sang trọng bậc nhất Đà Lạt này bị xuống cấp, hư hỏng trầm trọng.
 13 biệt thự cổ của Cadasa có nguy cơ bị thu hồi vì món nợ lên tới gần 20 tỷ đồng.
Tháng 10/2005, một sự kiện quan trọng đã làm thay đổi số mệnh hẩm hiu của những căn biệt thự này kể từ sau ngày đất nước thống nhất. UBND tỉnh Lâm Đồng đã mở cuộc đấu giá công khai để lựa chọn một nhà đâu tư xứng tầm, có thể trùng tu, làm sống dậy những giá trị của các căn biệt thự. Tại phiên đấu giá, bên thắng cuộc sẽ được quyền thuê 13 căn biệt thự cổ trong vòng 50 năm. Trải qua 17 hiệp đấu giá, vượt qua cả Tập đoàn lẫy lừng Indochina Capital (Hoa Kỳ), Công ty Cổ phần Đào tạo - Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ thông tin Cadasa (TP HCM) là đơn vị chiến thắng.
 Trước đây, toàn bộ cụm biệt thự này bị bỏ hoang.
Sau khi được UBND tỉnh Lâm Đồng hoàn tất các thủ tục bàn giao 13 căn biệt thư, Cadasa đã nhanh chóng tiến hành trùng tu, nâng cấp những hạng mục bị xuống cấp, biến cụm biệt thự cổ này thành một khu Resort nghỉ dưỡng sang trọng. Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc Cadasa, số vốn doanh nghiệp đã bỏ ra để nâng cấp 13 căn biệt thự cổ lên tới 200 tỷ đồng, vượt gấn đôi so với dự kiến ban đầu. Tháng 12/2009, khu Resort này chính thức được đưa vào sử dụng với tên gọi Dalat Cadasa Resort. Lãnh đạo Cadasa cho biết, từ khi trúng đấu giá và được giao biệt thự tới nay, công ty này đã dốc toàn bộ trí lực, tài lực vào khu biệt thự cổ, biến một khu biệt thự hoang phế trở thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp, một điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu kiến trúc tráng lệ, hào hoa của nước Pháp.
Thế nhưng, việc kinh doanh ở đây không đơn giản như ban đầu Cadasa tính toán. Đây là khu Resort hạng sang nên lượng khách tìm tới chủ yếu là người nước ngoài, có rất ít du khách trong nước lưu trú. Do đó, sau nhiều năm đi vào kinh doanh, mặc dù đã cố “thắt lưng buộc bụng” nhưng Dalat Cadasa Resort thu vẫn trong tình trạng không đủ chi.
 Tới đây lưu trú phần lớn là khách nước ngoài hoặc những người giàu có.
Đến nay, tuy đã vượt thời hạn phải thanh toán các khoản nợ nhưng do quá khó khăn về tài chính, công ty này vẫn chưa thể thanh toán được các khoản nợ. Tổng số tiền Cadasa đang nợ gần 20 tỷ đồng, gồm tiền thuê đất, thuê biệt thự cùng nhiều khoản khác.
Cadasa đã gửi đơn xin gia hạn đến tháng 12/2015. Tuy nhiên, tỉnh Lâm Đồng chỉ cho gia hạn đến ngày 31/12/2013, nếu đến thời hạn cuối cùng này mà Cadasa không nộp đủ tiền thuê sẽ đình chỉ hợp đồng, tiến hành thu hồi toàn bộ dự án để giao cho nhà đầu tư khác.
Khắc Lịch