Chính phủ vừa ban hành Nghị định 117/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Giới chuyên gia bất động sản và doanh nghiệp kỳ vọng, với quy định mới này của Chính phủ, thông tin của thị trường bất động sản sẽ minh bạch hơn, giúp thị trường này phát triển bền vững.
Theo tinh thần của Nghị định này, việc xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản sẽ được thống nhất trên toàn quốc, nhằm cung cấp thông tin cơ bản về nhà ở và thị trường bất động sản cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ công tác quản lý nhà nước và việc công bố các chỉ tiêu về nhà ở và thị trường bất động sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản gồm: Cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, vận hành, khai thác.
|
Theo Nghị định này, việc xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản sẽ được thống nhất trên toàn quốc. |
Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản phải được xây dựng và quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước đảm bảo tính khoa học, thuận tiện cho việc khai thác và sử dụng.
Ngoài ra, nghị định trên cũng nghiêm cấm các hành vi cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, không đúng thời hạn; làm sai lệch, hư hỏng, thất thoát thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; chiếm giữ, tiêu huỷ trái phép, làm hư hại thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; khai thác, sử dụng thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trái với quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật; cản trở việc khai thác, sử dụng thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định.
Tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến và triển khai các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 do Sở Xây dựng TPHCM tổ chức vào cuối tuần trước tại TPHCM, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Nghị định hướng tới mục tiêu giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch, đúng theo định hướng của Chính phủ.
Theo đó, các sàn giao dịch bất động sản, các văn phòng môi giới, chủ đầu tư bất động sản phải cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh theo định kỳ hàng tháng, hàng quý về Sở Xây dựng các địa phương. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế các địa phương có nhiệm vụ phối hợp với Sở Xây dựng trong việc xây dựng dữ liệu thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản tùy theo lĩnh vực quản lý.
Theo quan sát thị trường bất động sản, dễ nhận thấy một thực tế tồn tại trong nhiều năm nay là việc giao dịch mua bán bất động sản rất ít có được thông tin chính xác, rõ ràng, thậm chí có nhiều thông tin sai lệch dẫn đến thiệt hại cho khách hàng.
Thông thường, một sản phẩm bất động sản được cấu thành từ nhiều yếu tố như tình trạng pháp lý, đặc điểm, tính chất, công năng sử dụng, chất lượng, quy hoạch, thực trạng các công trình hạ tầng, các dịch vụ về kỹ thuật và xã hội có liên quan đến bất động sản…
Tuy nhiên, khảo sát tại một số sàn giao dịch, các điểm phân phối bất động sản của chủ đầu tư tại TPHCM cho thấy, khi các sản phẩm nhà đất mang ra giao dịch thì các thông tin này chưa được cung cấp đầy đủ đến khách hàng. Điều này dẫn đến việc, nhiều khách hàng mua phải những bất động sản không đủ cơ sở pháp lý, không làm được sổ đỏ, sổ hồng, có người còn “tiền mất tật mang”.
Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư cũng không quy định cụ thể, rõ ràng về phương thức thanh toán, thời gian đóng tiền từng đợt, thời hạn chót giao nhà, trách nhiệm thỏa thuận đền bù của các người mua lẫn người bán nếu không làm đúng hợp đồng.
Các thông tin tổng quan về thị trường bất động sản hiện nay cũng không rõ ràng. Chẳng hạn, các chủ đầu tư luôn cho rằng, thị trường bất động sản đã ấm lên nhằm đẩy giá bán lên cao, kích thích khách hàng xuống tiền mua nhà. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), TP HCM hiện có 1.219 dự án bất động sản thì có 405 dự án chưa khởi công, 189 dự án đã bị thu hồi chủ trương đầu tư. Trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công, nếu tính các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì số lượng lên đến 502 dự án chiếm 41,18%. Theo ông Châu, sở dĩ các dự án “trùm mền” tăng cao có một phần nguyên nhân xuất phát từ việc khó khăn trong khâu giải tỏa, đền bù. Có thể thấy, thông tin do các chủ đầu tư đưa ra và các thống kê của HoREA đã có độ chênh lệch đáng kể, dẫn đến sự hiểu lầm của khách hàng về thị trường bất động sản.
Còn ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho rằng, thống kê thị trường bất động sản nói chung, đặc biệt là con số nhà bán ra hiện nay thật sự không chính xác. Theo ông Đực, ngay cả những công ty tư vấn bất động sản chưa có một phương pháp thống kê khoa học nào và chưa cho biết con số hợp đồng giao dịch cụ thể nào. Trong khi đó, đối với các nhà đầu tư, những thống kê này có ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược kinh doanh nhưng họ ít khi dựa vào đó vì không tin tưởng nhiều vào việc thống kê này. “Nhiều doanh nghiệp cho biết có thể bóp méo con số thống kê vì mục đích tiếp thị, khuếch trương các dự án mà họ có lợi ích bên trong, do đó thông tin từ nguồn này cũng không khách quan”, ông Đực nhận định.
Từ những bất cập trên, các chuyên gia bất động sản và nhiều doanh nghiệp hy vọng, nghị định xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản sẽ góp phần làm thông tin thị trường bất động sản thêm minh bạch. Khi thị trường minh bạch sẽ lấy lại niềm tin từ khách hàng và có như vậy, thị trường bất động sản mới có thể phát triển lành mạnh, bền vững lâu dài.
Minh Hiếu