Mấy ngày qua, dư luận lại nóng lên trước việc một dãy nhà cấp 4
xây dựng trái phép tại mũi Cửa Khẻm - vị trí vươn ra biển xa nhất của núi Hải Vân, ranh giới giữa 2 tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng.
Công trình xây dựng trái phép này đã bị đình chỉ xây dựng. Thế nhưng, vướng mắc ở chỗ là chính quyền hai địa phương này chưa thể phân định rõ ràng ranh giới về địa lý.
Từ phía bắc đỉnh đèo Hải Vân thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế men theo tuyến đường ven sườn núi hướng ra biển chừng hơn 10 cây số là đến dãy nhà cấp 4 đã được xây dựng.
Dãy nhà chia làm 4 ngăn liền kề, mỗi ngăn rộng 24m2. Bên trong chứa dụng cụ đi rừng, chiếu bạt, chõng tre... Chủ nhân của dãy nhà là ông Phạm Văn Tý, ở tổ 9, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
|
Dãy nhà cấp 4 do ông Phạm Văn Tý xây dựng. |
Năm 1975, gia đình ông Tý ra đây khai hoang đất trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt hải sản. Thời gian sinh sống và làm ăn khu vực này, gia đình ông Tý được UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng giao khoảng 5.000 m2 đất và rừng để sản xuất.
Ông Tý đã dựng thêm nhà ở tạm, làm trại chăn nuôi bò. Lâu ngày, nhà cửa xuống cộng với việc một số khách du lịch dã ngoại đến mũi Cửa Khẻm nên ông Tý dựng thêm một số chòi lá phục vụ khách.
Cuối tháng 3/2013, UBND thị trấn Lăng Cô và Đội Quản lý đô thị huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra và lập biên bản vì cho rằng dãy nhà cửa, chuồng trại
xâm hại rừng đặc dụng Bắc Hải Vân thuộc địa phận huyện Phú Lộc quản lý.
Tuy nhiên, ông Bùi Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, cho rằng, việc cơi nới, xây dựng là trái phép nhưng cần có sự phối hợp giải quyết của chính quyền 2 địa phương tại khu vực này.
|
Mũi Cửa Khẻm trên núi Hải Vân chưa phân định địa giới hành chính rõ ràng. |
Sau thời điểm nói trên, UBND thị trấn Lăng Cô và huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế nhiều lần làm việc với lãnh đạo UBND phường Hòa Hiệp Bắc, UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng tìm giải pháp xử lý.
Theo UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, lâu nay ông Phạm Văn Tý được giao đất, giao rừng để sản xuất, đồng thời bảo vệ rừng. Khu nhà cấp 4 được xây dựng là để chứa dụng cụ sản xuất nên khi kiểm tra, cơ quan chức năng yêu cầu đình chỉ, không buộc tháo dỡ, chỉ khi nào Nhà nước trưng dụng, ông Tý tự tháo dỡ và giao lại.
Tại buổi làm việc mới đây giữa UBND phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng và UBND thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, các bên cũng thống nhất giữ nguyên hiện trạng.
Ông Phạm Văn Tý đã viết cam kết không tiếp tục xây dựng thêm nhà cửa, chuồng trại tại khu vực này, đồng thời sẽ tự tháo dỡ, trả lại đất khi Nhà nước yêu cầu và không đòi bồi thường.
Ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Rừng ở trên này không cấp sổ. Toàn bộ những hiện trạng do người dân làm lán trại giao theo Nghị định 01/CP/1995 trước đây. Hiện nay thành phố giao đất rừng về địa phương quản lý để giao cho dân phát triển nghề rừng. Địa phương đang quản lý chặt chẽ vấn đề này. Còn người ta làm lán trại giữ nguyên hiện trạng, họ đang sống bình thường, không có vấn đề gì hết”.
Người dân thành phố Đà Nẵng canh tác, bảo vệ rừng trên phần đất được cho là do thành phố Đà Nẵng quản lý. Còn chính quyền địa phương tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng người dân vi phạm hành chính trên địa phận mình. Rốt cuộc, không ai xử lý được. Việc chồng chéo trong địa giới hành chính hàng chục năm nay chưa được phân định.
Theo VOV