Vai trò của đất đai đối với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số

Google News

Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với dân số 14,119 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước.

Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú thành cộng đồng ở 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, 548 huyện, 51 tỉnh, thành phố . Địa bàn cư trú của các DTTS phần lớn là miền núi, chiếm ¾ diện tích cả nước, chủ yếu tập trung ở vùng miền núi, trung du phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ
Vai tro cua dat dai doi voi doi song cua dong bao cac dan toc thieu so
 
Mặc dù cư trú trên địa bàn rộng lớn, trải dài từ Bắc đến Nam, nhưng đồng bào sống quần cư, tập trung chủ yếu ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Đây là những địa bàn có vị trí chiến lược, quan trọng về chính trị, an ninh - quốc phòng và tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Nhưng cũng là vùng có cấu tạo địa chất, tự nhiên phức tạp, có độ dốc cao, chia cắt, cơ sở hạ tầng khó khăn, tập trung chủ yếu là các xã nghèo, huyện nghèo và người nghèo.
Hầu hết đồng bào các DTTS có sinh kế gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đây là sinh kế chính và quan trọng nhất (khoảng trên 90% lao động người dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông ). Vì thế, đất đai (đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng…) là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào DTTS. Ở những vùng có tỷ lệ dân tộc thiểu số trên tổng số dân cao cũng đồng thời là những vùng có diện tích rừng và độ che phủ rừng lớn như miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là 3 vùng tập trung đông các nhóm DTTS và những vùng này cũng đồng thời là 3 vùng có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Rừng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của đồng bào DTTS. Rừng vừa là địa bàn cư trú, vừa là sinh kế đồng thời cũng có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, nơi sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc.
Cộng đồng các DTTS số sinh sống gắn với rừng từ ngàn đời, có những bản sắc văn hóa và phong tục tập quán riêng, theo từng vùng. Trong đó, nhiều tập tục có giá trị rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy rừng. Do đặc điểm tự nhiên về vị trí địa lý, cấu tạo địa hình, độ cao, khí hậu, thổ nhưỡng, nên đất đai và rừng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với môi trường sống, là “lá phổi” của cả nước, vùng thượng lưu của hệ thống song suối. Rừng còn lưu giữ nguồn gen động, thực vật rất đa dạng, phong phú và quý hiếm của cả nước và thế giới. Rừng và đất rừng chứa đựng nhiều tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế, như: thủy điện, khoáng sản, gỗ, các loại dược liệu, cây công nghiệp, các loại hoa, quả, phát triển chăn nuôi… Rừng có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh của đất nước. Rừng là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa, tâm linh; không gian năn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó mật thiết với rừng, có những dân tộc thiểu số tự gọi tên dân tộc mình gắn liền với rừng. Đặc biệt các yếu tố cấu thành tổ hợp Đất – Rừng – Nước là môi trường lưu giữ, vun đắp, làm nên bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Ðồng bào dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi, là những người dân sinh ra từ rừng, "rừng là cha, đất là mẹ, đất và rừng nuôi người, sống rừng nuôi, chết rừng chôn".
Một số chính sách, pháp luật về đất đai đối với dân tộc thiểu số
1. Quan điểm, chủ trương của Đảng
Với vai trò quan trọng của đất đai đối đời sống của đồng bào các DTTS, Nghị quyết 24/NQ-TW năm 2003 về công tác dân tộc đã thể hiện rõ chủ trương, định hướng và những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực miền núi, vùng DTTS, trong đó có vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất.
Nghị quyết đã nhìn nhận và chỉ ra tình trạng du canh, du cư, di cư tự do còn diễn biến phức tạp; một số hộ còn thiếu đất sản xuất; kinh tế lâm nghiệp chuyển biến chậm, chính sách đối với lâm nghiệp chưa thật sự bảo đảm cho người dân sống và gắn bó với nghề rừng… Vì vậy, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai ở vùng DTTS, nhất là ở Tây Nguyên, Tây Bắc và vùng dân tộc Khmer Nam Bộ được xác định là một trong những nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu khá rõ ràng, cụ thể đến năm 2010 phải hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; chấm dứt tình trạng di cư tự do; giải quyết cơ bản vấn đề đất sản xuất cho nông dân thiếu đất; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái…
Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 31/10/2012 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Về giải quyết đất đai cho đồng bào DTTS, Nghị quyết nêu rõ “... sớm có giải pháp đáp ứng nhu cầu đất sản xuất và việc làm cho bộ phận đồng bào DTTS không có đất sản xuất”.
Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đã chỉ rõ: … “Vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái…”; “Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, nhất là cho người dân làm nghề rừng”.
Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, đã nêu nhiệm vụ tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định canh, định cư. Mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào DTTS vào năm 2025.
Như vậy, xuất phát từ thực tiễn vai trò quan trọng của đất đai, Đảng ta đã có quan điểm, chủ trương rõ ràng về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất đối với với vùng DTTS, hộ dân tộc còn du canh, du cư. Đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội và Chính phủ thể chế hóa thành các văn bản luật và dưới luật nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, tạo sinh kế, giảm nghèo cho hộ nghèo ở vùng DTTS.
2. Hiến pháp, pháp luật
Để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp, Luật quy định cụ thể quyền của công dân về sở hữu đất đai.
- Tại Điều 53, Hiến pháp 2013 quy định: “Đất đai… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Ngay sau khi Hiến pháp 2013 được Quốc hội thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp vào Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013.
- Điều 27 của Luật Đất đai quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp. Quy định này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để Chính phủ và các bộ ngành, ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào DTTS.
Luật Đất đai năm 2013 không những chỉ quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào DTTS (Điều 27), mà còn ban hành những quy định không được chuyển nhượng, tặng, cho đối với những hộ gia đình, cá nhân hộ gia đình DTTS được nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ (điểm d, Khoản 1, Điều 64). Đồng thời thực hiện chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với trường hợp sử dụng đất đất ở, đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo (Khoản 1, Điều 110).
Luật cũng quy định đối với quỹ đất thu hồi của các tổ chức đang sử dụng đất nông nghiệp sẽ được ưu tiên để giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân là DTTS không có đất hoặc thiếu đất sản xuất (Khoản 2, Điều 133); Quy định về điều kiện chuyển nhượng, tặng cho đối với hộ gia đình, cá nhân là người DTTS sử dụng đất do Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất; chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó; chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó (Điều 192).
Để quy định chi tiết thi hành Luật đất đai năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2013/NĐ-CP. Nghị định quy định rất cụ thể những điều kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của đồng bào các DTTS trong việc sở hữu đất ở và đất sản xuất như: Tại Khoản 1, Điều 40 của Nghị định quy định về điều kiện chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đồng bào DTTS sử dụng đất do được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ là sau 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất nếu được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không còn nhu cầu sử dụng; tổ chức, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đồng bào DTTS sử dụng đất do Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ (Khoản 2, Điều 40)…
- Luật Lâm nghiệp năm 2017, quy định về chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp, đã quy định rõ đối với đối tượng là đồng bào DTTS: “Nhà nước bảo đảm cho đồng bào DTTS, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của Chính phủ” (khoản 6, Điều 4). Nguyên tắc khi tiến hành giao rừng, phải ưu tiên giao rừng cho đồng bào DTTS, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống gắn bó với rừng, có hương ước, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật. Đây là vấn đề mà cử tri, đồng bào DTTS quan tâm. Chính sách chung này được ghi nhận trong Luật là cơ sở để các cấp, các ngành khi triển khai các phần việc có liên quan, phải đặc biệt chú trọng đến đối tượng ưu tiên này, khắc phục những vấn đề tồn tại trước đây, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
3. Chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất là một trong những chủ trương, chính sách dân tộc được Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương và Ủy ban Nhân dân các tỉnh vùng DTTS đặc biệt quan tâm từ khá sớm. Trong đó đáng chú ý là các các văn bản, chính sách:
- Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ Về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và các quy định của Luật Đất đai.
- Quyết định 132/2002/QĐ-TTg ngày 08/10/2002 về việc giải quyết đất sản xuất, đất ở cho đồng bào DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên thuộc đối tượng chưa có hoặc chưa đủ đất sản xuất và chưa có đất ở.
- Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ Về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn.
- Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ Về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS giai đoạn 2007-2010 và Quyết định 1342/QĐ-TTg.
- Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ Về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008 - 2010.
- Quyết định số 1592/2009/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ Về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn.
- Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ Về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015.
- Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
- Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 Phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó đã nêu mục tiêu cụ thể là giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất…
Kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế
1. Một số kết quả đạt được
Như vậy, giải quyết đất đai, trong đó có đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS được Đảng và Nhà nước quan tâm, được hiến định, thể chế hóa trong nhiều văn bản pháp luật của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào các DTTS. Các chính sách, điều luật, quy định nêu trên đã tạo hành lang pháp lý quan trọng giải quyết chính sách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nói riêng và 25 triệu dân nông thôn miền núi nói chung, với mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở.
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2016, các chính sách về đất ở, đất sản xuất đã hỗ trợ đất ở cho 93.664 hộ, đất sản xuất cho 107.827 hộ gia đình người DTTS . Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết hàng trăm ngàn hộ đồng bào DTTS nghèo, không có đất ở, nhà ở, không có hoặc thiếu đất sản xuất. Nhiều hộ nghèo đói, du canh, du cư, di cư tự do, sinh sống trong vùng thiên tai, nguy hiểm… do đó đã từng bước bảo đảm cho đồng bào có cuộc sống ổn định và nâng cao đời sống, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
2. Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng DTTS đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Đòi hỏi, Quốc hội và Chính phủ có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tập trung giải quyết như:
- Tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai còn diễn biến khá phức tạp: Hiện nay đang tồn tại một số những bất cập trong công tác quản lý đất rừng và tình trạng thiếu đất sản xuất của nhiều hộ gia đình nên việc lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa các hộ cá nhân với nhau, giữa các hộ cá nhân với các nông trường, lâm trường… diễn ra ở nhiều địa phương; cả nước hiện có khoảng 171.423 ha đất rừng đang bị lấn chiếm, 57.869 ha đang có tranh chấp . Tại 5 tỉnh Tây Nguyên còn khoảng 52.940 hộ thiếu đất sản xuất (chủ yếu là hộ DTTS, di cư tự do) với diện tích khoảng 24.075 ha
- Một số vấn đề bức xúc trong đời sống của đồng bào DTTS, như: Di cư tự phát, nhà ở tạm bợ, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... chưa được giải quyết hiệu quả, thấu đáo; đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn rất nhiều khó khăn: Còn hơn 24.500 hộ DTTS di cư tự phát cần sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, 122.488 hộ còn ở nhà tạm bợ, dột nát, 82.893 hộ thiếu đất sản xuất, 58.123 hộ thiếu đất ở, 223.449 hộ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
- Một số vấn đề bức xúc trong đời sống của đồng bào DTTS, như: Di cư tự phát, nhà ở tạm bợ, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... chưa được giải quyết hiệu quả, thấu đáo; đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn rất nhiều khó khăn: Còn hơn 24.500 hộ DTTS di cư tự phát cần sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, 122.488 hộ còn ở nhà tạm bợ, dột nát, 82.893 hộ thiếu đất sản xuất, 58.123 hộ thiếu đất ở, 223.449 hộ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Kiến nghị và giải pháp
1. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định của pháp luật về đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Đối với Hiến pháp, hiện nay trong Hiến pháp cũng đã có quy định về đất đai đối với đồng bào DTTS. Tuy nhiên, qua nghiên cứu ở trên, trong hiến pháp chưa có điều khoản nào quy định riêng về đất đai đối với đồng bào DTTS. Vì vậy, trong thời gian tới nếu có sửa đổi Hiến pháp, cần nghiên cứu và bổ sung nội dung điều khoản liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích về đất đai cho đồng bào DTTS.
- Đối với Luật Đất đai năm 2013, hiện đã có một điều riêng (Điều 27) có nội dung quy định về đất đai cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên cần bổ sung, chỉnh sửa cụ thể hơn nữa, có nội dung liên quan đến việc: Thu hồi đất của các nông lâm trường quốc doanh hoạt động kém hiệu quả để giao cho các hộ gia đình và cộng đồng DTTS có nhu cầu và có khả năng sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
- Đảm bảo đất đai (đất ở và đất sản xuất) trong bồi thường và tái định cư khi thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng; có cơ chế quy định, thỏa thuận, quyền của người DTTS khi các cơ quan triển khai thu hồi; có cơ chế, quy định về tỉ lệ tái đầu tư cho cộng đồng DTTS khi đất đai của họ bị thu hồi, sử dụng cho các mục đích khác của nhà nước và tư nhân ( Ví dụ như: Quy định về đánh thuế tài nguyên cao đối với việc phát triển thủy điện khai khoáng và một số ngành công nghiệp, sản xuất kinh doanh khác tại vùng DTTS để tái đầu tư, nâng cao đời sống, giải quyết vấn đề môi trường…).
- Sửa đổi một số vấn đề còn bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất liên quan đến vấn đề giao đất, giao rừng được quy định trong Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Dân sự…. theo hướng: Công nhận cộng đồng dân cư là chủ rừng có quyền lợi và nghĩa vụ như các chủ rừng khác; công nhận diện tích rừng thiêng, rừng tâm linh, rừng đầu nguồn nước…gắn với phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa lâu đời của các dân tộc là đất tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc giống như đất đền chùa, nhà thờ, miếu mạo…
2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả các chính sách của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện các chính sách về đất đai cho đồng bào các DTTS
- Vừa qua đã có nhiều chính sách của Chính phủ về giải quyết đất đai đối với vùng đồng bào các DTTS. Tuy nhiên hiện tại vẫn còn gần 100 nghìn hộ thiếu đất. Việc triển khai các chính sách về đất ở, đất sản xuất vẫn cần được tiếp tục triển khai thực hiện, kết hợp với nhiều giải pháp đồng bộ khác như chuyển đổi nghề, tìm kiếm các cơ hội việc làm phi nông nghiệp. Hiện nay chỉ có thể bố trí được quỹ đất từ 2 nguồn chủ yếu: đất từ các nông lâm trường quốc doanh và đất rừng chưa giao. Đối với những vùng không còn quỹ đất trống như Đồng bằng sông Cửu Long, nên hỗ trợ chuyển nghề tập trung vào các đối tượng trẻ, có trình độ để từng bước tạo ra sinh kế mới cho họ.
Cùng với chính sách về đất đai, ban hành đồng bộ các chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, thủy lơi, kỹ thuật sản xuất đi kèm với hỗ trợ về đất sản xuất. Các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề đi kèm với hỗ trợ về vay vốn, tìm đầu ra cho sản xuất. Việc hỗ trợ, cần nghiên cứu đồng bộ, tránh chồng chéo. Định mức hỗ trợ cũng cần nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, địa phương, để có thể triển khai thực hiện được.
- Việc hỗ trợ cũng cần phải nghiên cứu theo nhu cầu thực sự của từng địa phương, từng hộ gia đình. Tránh tình trạng nhiều hộ không có khẳ năng, hoặc nhu cầu sử dụng đất, khi nhận được hỗ trợ là đem bán, hoặc cho thuê lại, dẫn đến lãng phí nguồn lực của nhà nước.
- Đánh giá kết quả giao đất, giao rừng co đồng bào DTTS thời gian qua, chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp để thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng; Tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện của các địa phương, trên cơ sở đó có chế tài xử lý đối với những địa phương chậm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nghiên cứu sửa đổi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch quá lớn phí dịch vụ môi trường được hưởng trên một ha giữa các vùng, các khu vực./.
PV