Philippines trong trò chơi quyền lực Mỹ-Trung

Google News

(Kiến Thức) - Đáp lại thỉnh cầu của Philippines, Tòa án trọng tài UNCLOS sẽ tổ chức phiên điều trần về vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Giải thích vì sao lại thỉnh cầu Tòa án trọng tài UNCLOS, Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario, tuyên bố rằng nước ông đã cạn kiệt mọi khả năng chính trị và ngoại giao để giải quyết hòa bình cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Ông bày tỏ hy vọng rằng trọng tài quốc tế sẽ đưa cuộc tranh chấp tới giải pháp cơ bản và lâu dài.

Có thể giải thích động thái này ra sao? Nhà khoa học chính trị Nga, tiến sĩ khoa học lịch sử Dmitry Mosyakov nhận xét: “Nhìn bề ngoài, có ý kiến cho rằng đây là biểu hiện cảm xúc thái quá của người Philippines. Người Philippines bất hòa với các nước khác ở Đông Nam Á vốn luôn rất kiềm chế trong những cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Còn từ Philippines người ta luôn có thể chờ đợi những bước đi bất ngờ”.

Trong động thái ngoại giao của Philippines có thể tìm thấy cả khía cạnh văn hóa-xã hội. Giáo sư Mosyakov nói tiếp: “Philippines là quốc gia Đông Nam Á có xu hướng thân phương Tây hơn cả. Đất nước này chưa bao giờ xem Trung Quốc như là cái nôi lịch sử và văn hóa của khu vực Đông Á. Mối quan hệ Philippines-Trung Quốc không có bề dày lịch sử và chỉ dựa trên những yếu tố thực dụng. Do đó, người Philippines thấy bang giao với Mỹ là có giá trị hơn quan hệ với Trung Quốc”.

Theo giáo sư Mosyakov, chính quan hệ Philippines-Mỹ chứa đựng nguyên nhân cơ bản của khiếu kiện mà Manila gửi lên Tòa án Liên Hợp Quốc về luật biển quốc tế. Giáo sư Mosyakov nói thêm: “Mỹ từ lâu đã cố tìm cách biến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông từ song phương thành đa phương, lôi kéo các tổ chức siêu quốc gia vào cuộc, nơi mà Mỹ hiển nhiên có ảnh hưởng nổi trội”.

Sau những va chạm mới nhất với Trung Quốc, Philippines đã yêu cầu Mỹ viện trợ quân sự, điều mà Washington từng từ chối hồi đầu những năm 90. Trong hơn 10 năm qua, Washington đã cấp cho Manila khoản viện trợ quân sự trên 500 triệu USD. Đó là chưa tính đến hai chục máy bay trực thăng và tàu tuần tra, đã được chuyển giao miễn phí cho Philippines. Hiện thời, lại có chuyện xem xét dự án bố trí đội quân Mỹ trên lãnh thổ  Philippines.

Giáo sư Dmitry Mosyakov nhận xét: “Đối với Mỹ, sự trở lại Philippines về quân sự-chính trị là con bài quan trọng trong trò chơi quyền lực Mỹ-Trung. Thông qua Philippines, người Mỹ có được một công cụ mạnh để gây sức ép với Trung Quốc, tại một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất của thế giới”. Theo ông, Washington đã quyết định cho ban lãnh đạo mới của Trung Quốc hiểu rằng người Mỹ đang giữ trên tay những con chủ bài nặng ký.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Văn Bình (theo VOR)