Chảo lửa Biển Đông lại “nóng” vì... Bãi Cỏ Mây

Google News

(Kiến Thức) - Chiếc tàu cũ  han rỉ của Philippines chốt trên một rạn san hô ở Bãi Cỏ Mây có nguy cơ trở thành điểm nóng mới, châm ngòi xung đột trên Biển Đông.

Tàu đổ bộ BRP Sierra Madre được Mỹ đóng năm 1944 và được Hải quân Philippines tiếp quản từ năm 1976.

"Nguy cơ hiện hữu rõ ràng"

Những ngày gần đây, Manila mạnh mẽ và liên tục cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm lãnh hải sau khi 3 tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc “án ngữ” cách 5 hải lý với một tàu căn cứ lỗi thời của Philippines chốt ở một rạn san hô trên Biển Đông để bảo vệ tuyên bố chủ quyền đối với khu vực kể từ năm 1999.

Giới chức Philippines khẳng định, 3 tàu của chính phủ Trung Quốc đã xâm phạm Bãi Cỏ Mây (Thomas 2) lần thứ 2 vào ngày 8/5 và hộ tống một đội tàu cá gồm 30 chiếc vào khu vực này đánh bắt. Hai ngày sau đó, Manila chính thức gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh.

“Trung Quốc phải rút đội tàu khỏi khu vực này vì theo luật pháp quốc tế họ không có quyền án ngữ ở đây”, ông Raul Hernandez, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Philippines, nhấn mạnh sau khi cáo buộc tàu Trung Quốc án ngữ ở đây là hành động khiêu khích và bất hợp pháp.

Tuy nhiên, bỏ ngoài tai tất cả những sự phản đối, chỉ  trích và lên án, tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc vẫn tiếp tục ở lại trong khu vực, phát ngôn viên của hải quân Philippines, Đại tá Edgardo Arevalo cho biết.

"Sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trong khu vực là mối nguy hiểm hiện thời và rõ ràng", một sĩ quan cao cấp của hải quân Philippines giấu tên nhấn mạnh đồng thời cho biết Bắc Kinh đang cố gây sức ép để ép Manila từ bỏ Bãi Cỏ Mây.

Trong khi đó, các quan chức Philippines khác nhấn mạnh, họ quan ngại đội tàu Trung Quốc sẽ chặn các nguồn cung cấp hậu cần cho khoảng một tá thủy quân đang đồn trú trên tàu căn cứ chốt tại bãi ngầm Thomas 2 và làm leo thang căng thẳng đối với một trong những vấn đề an ninh quan trọng nhất châu Á.

Tàu căn cứ tại Bãi Cỏ Mây của Philippines thực tế là tàu đổ bộ  BRP Sierra Madre lỗi thời và bị Mỹ bỏ rơi. Nó được xem là tiền đồn quân sự cô đơn nhất ở châu Á. Thủy quân Philippines trên tàu này phải sống trong điều kiện hết sức thiếu thốn khi lương thực, thực phẩm phải dựa hoàn toàn vào sự tiếp tế từ đất liền và chỉ được trang bị một máy phát điện.

Trong khi đó, khu vực bãi ngầm Thomas 2 – là cửa ngõ chiến lược vào Bãi Cỏ rong, cách đảo Palawan của Philippines 80 hải lý về phía tây, được cho là chứa đựng nguồn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên dồi dào. Manila nhấn mạnh, Bãi Cỏ rong nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Năm 2010, Philippines trao cho tập đoàn Anglo-Philippines quyền thăm dò khí đốt tại Bãi Cỏ rong nhưng cuối cùng không thể thực hiện vì bị Bắc Kinh điều đội tàu tới quấy rối, ngăn chặn.

Bắc Kinh trắng trợn tuyên bố, Bãi Cỏ rong thuộc phần lãnh thổ của quần đảo Trường Sa bao gồm 250 đảo nhỏ, trải rộng trên 430.000 km2 mà "Trường Sa là của Trung Quốc". Do đó, "Bãi Cỏ rong nghiễm nhiêm cũng là của Trung Quốc và Philippines hoàn toàn không có quyền thăm dò dầu khí hay bất cứ hành động nào trong vùng lãnh thổ của nước này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nhấn mạnh: “Không có gì phải tranh cãi khi các tàu Trung Quốc thực hiện tuần tra các vùng biển này”.

Trước đó, hồi tháng 3, Malaysia cũng lên tiếng phản đối vụ 4 tàu Trung Quốc xâm nhập bãi ngầm James, cách Sarawak trên đảo Borneo khoảng 80 km. Thủy thủ Trung Quốc thậm chí bắn nhiều phát súng lên không  trong suốt thời gian vờn quanh bãi ngầm. Tháng trước, một tàu hải giám lại xâm phạm bãi ngầm James một lần nữa để khẳng định yêu sách chủ quyền của Trrung Quốc.

Rủi ro tính toán sai lầm

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines chứng tỏ các tranh chấp trên Biển Đông giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ có tuyên bố chủ quyền chồng chéo đối với khu vực đang ngày càng nóng lên nhanh chóng.

Ian Storey một học giả tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore bình luận căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây có thể còn nguy hiểm hơn tranh chấp tại bãi cạn Scarborough năm ngoái.

“Thật khó có thể tưởng tượng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để đoạt quyền kiểm soát nhưng nhiều khả năng, Bắc Kinh sẽ phong toả đường tiếp tế hậu cần cho nhóm lính đồn trú của Philippines tại đây, trên chiếc tàu cũ. Nguy cơ leo thang hoặc tính toán sai lầm là hoàn toàn hiện hữu”, ông Ian Storey cho biết.

Căng thẳng xung quanh Bãi Cỏ Mây dẫn đến khả năng Mỹ buộc phải can thiệp để bảo vệ các đồng minh ở Đông Nam Á. Giới quan sát đang trông đợi để thấy phản ứng rõ ràng hơn của Washington trước vấn đề này khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel sẽ tới Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La cùng với các đối tác châu Á-Thái Bình Dương cuối tuần này. Biển Đông là vấn đề quan trọng nằm trên bàn nghị sự của diễn đàn an ninh khu vực trên.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực để đàm phán với Trung Quốc về việc thiết lập các quy tắc ứng xử trên Biển Đông nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc nhấn mạnh, họ sẽ “đàm phán khi thời điểm chín muồi”.

Các Bộ trưởng Ngoại giao của các thành viên ASEAN dự kiến sẽ họp nhóm tại Thái Lan vào tháng 8 để thống nhất quan điểm về các quy tắc ứng xử trên Biển Đông trước khi họp với quan chức Trung Quốc vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tại Bắc Kinh.

TIN LIÊN QUAN

Bạch Dương