Trung Quốc vừa “rắn”, vừa “mềm” trong tranh chấp lãnh thổ

Google News

Tờ Liên hợp buổi sáng của Singapore nhận định rằng bộ đôi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình-Lý Khắc Cường có chính sách mới trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

 

“Tân quan, tân chính sách”

Trong các vấn đề nóng liên quan chủ quyền lãnh thổ lãnh hải, bộ đôi Tập Cận Bình-Lý Khắc Cường đã bước đầu thể hiện ra lối tư duy khác so với những người tiền nhiệm: tìm cách lôi kéo Ấn Độ để “chơi rắn” với Nhật Bản và Philippines.

Bộ đôi Tập Cận Bình-Lý Khắc Cường tìm cách lôi kéo Ấn Độ để “chơi rắn” với Nhật Bản và Philippines.

Đối với Trung Quốc, vấn đề tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản là “khó chơi” nhất. Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ hết sức phức tạp, tranh chấp lãnh hải với Philippines và Việt Nam rất căng thẳng. Có thể nói, trong các vấn đề này, không có vấn đề nào là dễ giải quyết.

Khác với chủ trương “gác tranh chấp”, sau khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đã theo đuổi chủ trương “phải làm gì đó”.

Trong đó rõ nét nhất là giải quyết tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và Scarborough/Hoàng Nham, Trung Quốc đã thay đổi truyền thống “chỉ nói suông, không hành động”. Song song với việc đưa ra những lời cảnh cáo, Bắc Kinh liên tiếp cử tàu công vụ thậm chí máy bay, tàu chiến đến khu vực xảy ra tranh chấp để tuần tra, đối mặt trực tiếp với đối thủ. Kết quả là, cục diện kiểm soát đảo Senkaku/Điếu Ngư trên thực tế từ bấy lâu nay của Nhật Bản bị phá vỡ, Scarborough/Hoàng Nham càng rơi vào tầm kiểm soát của Trung Quốc. Các chiêu thể hiện “cơ bắp” này dường như đã đem lại lợi ích thực thụ cho Trung Quốc.

Sau khi được hưởng những thành quả do chiến thuật thể hiện “cơ bắp” đem lại, các bình luận viên quân sự Trung Quốc thay nhau phân tích thực lực quân sự, ý đồ chiến lược của các nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền bá tính khả thi và tính cấp thiết của việc thông qua các thủ đoạn cứng rắn thậm chí biện pháp quân sự để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.

Chuyên mục phân tích tình hình quân sự đã trở thành chương trình được khán giả của các đài truyền hình đón xem nhiều nhất. Dư luận Trung Quốc kêu gọi từ bỏ chiến lược ngoại giao “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, thậm chí những lời hô hào thừa thắng thu về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và quần đảo Trường Sa đang ngày càng nhiều hơn. Sức ép thể hiện sức mạnh với bên ngoài mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt cũng tăng lên rõ rệt.

“Mềm” với Ấn Độ…

Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình không dựa vào lối tư duy của phe cứng rắn để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Trong lúc báo chí Ấn Độ và Trung Quốc đưa tin rầm rộ về cuộc “đối đầu lều bạt” giữa quân độ hai nước ở khu vực biên giới, Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid vẫn có chuyến công du tới Trung Quốc theo đúng lịch đã định, hai bên nhanh chóng đạt được thỏa hiệp, không những hóa giải được sự kiện “đối đầu lều bạt” kéo dài nhiều ngày mà Ấn Độ cũng trở thành quốc gia đầu tiên ông Lý Khắc Cường sang thăm sau khi nhậm chức thủ tướng.

 Hải quân Ấn Độ: Một thế lực không dễ bắt nạt ở Ấn Độ Dương.

Trong cuộc gặp gỡ ngoại trưởng Ấn Độ, ông Lý Khắc Cường nói rằng Trung Quốc và Ấn Độ là đối tác chiến lược tự nhiên, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và không gian phát triển rộng lớn, đồng thời ngày càng có ý nghĩa mang tính toàn cầu. Tháng 3-2013, trong cuộc hội ngộ với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS tổ chức tại Nam Phi, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nói rằng thế giới cần sự phát triển chung của Trung Quốc và Ấn Độ. Quan hệ Trung-Ấn là mối quan hệ song phương lớn thứ 3 được Trung Quốc coi là ảnh hưởng lớn tới thế giới sau quan hệ Trung-Mỹ, Trung-Nga.

Mới đây, bộ trưởng ngoại giao hai nước đã có cuộc hội đàm tại Bắc Kinh, hai bên cam đoan sẽ nắm chắc cơ hội phát triển quan hệ hai nước, tăng cường lòng tin về mặt chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, giao lưu văn hóa, đẩy mạnh thêm một bước sự phối hợp, điều hòa trong các tổ chức đa phương như Liên Hợp Quốc, BRICS, thúc đẩy quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Điều này cho thấy, mặc dù trong lịch sử, hai nước Trung Quốc-Ấn Độ đã từng xảy ra chiến tranh biên giới trên quy mô lớn về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nhưng bộ đôi lãnh đạo Tập Cận Bình-Lý Khắc Cường đều hiểu rõ rằng, so với chiến lược đối đầu, lựa chọn hợp tác với Ấn Độ không những có lợi cho sự ổn định của khu vực Tây Nam như Tây Tạng, mà còn tránh được việc tăng thêm một đối thủ nặng ký trong lúc những mâu thuẫn ở khu vực Biển Hoa Đông, Biển Đông không ngừng leo thang. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã xuất hiện từ lâu và hoàn toàn có thể  được giải quyết từng bước thông qua các cuộc đàm phán kiên trì.

Chiến thuật “mềm” mà Trung Quốc đối với Ấn Độ cũng được quốc gia Nam Á này hưởng ứng tích cực. Tháng 3/2013, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã bày tỏ rõ quan điểm với ông Tập Cận Bình rằng, Ấn Độ sẽ không trở trành công cụ kìiềm chế Trung Quốc. Cách đây vài ngày, Ấn Độ lại quyết định sẽ không tham gia vào cuộc tập trận hải quân ba bên Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ dự định sẽ được tổ chức ở hải vực gần đảo Guam. Cộng với việc thủ tướng Lý Khắc Cường sắp có chuyến thăm Ấn Độ, quan hệ Trung-Ấn được kỳ vọng sẽ bước vào “tuần trăng mật” mới.

… “rắn” với Nhật Bản, Philippines

So với Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam, sức mạnh tổng hợp của Philippines gần như không gây ra  mối đe dọa nào đối với Trung Quốc.

 Philippines không có gì để đối chọi với tàu sân bay Trung Quốc.

Kể cả khi được Mỹ ngầm ủng hộ, đối đầu với Trung Quốc trên bất kỳ phương diện nào, Philippines cũng đều sẽ phải chịu thiệt. Và sự kiện cảnh sát biển Philippines bắn chết ngư dân Đài Loan xảy ra gần đây khiến Philippines càng rơi vào thế bị động. Nếu không giải quyết ổn thỏa, Philippines sẽ bị lợi lớn trên Biển Đông.

So với Philippines, Nhật Bản mới là đối thủ đích thực của Trung Quốc. Xét bề ngoài, Trung Quốc và Nhật Bản tranh giành chủ quyền và quyền kiểm soát đảo Điếu Ngư/Senkaku, nhưng nếu xét sâu hơn sẽ thấy, yếu tố mà hai nước tranh giành là dân ý và sự tự tin của chính nước đó. Sự trỗi dậy của Trung Quốc trước hết sẽ thay đổi cục diện chính trị-kinh tế ở khu vực Đông Á.

Trong các vụ tranh chấp lãnh thổ, ban lãnh đạo Trung Quốc khó có thể “mềm” với Nhật Bản. Chính vì vậy, tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản là cuộc đấu lâu dài thách thức ý chí và sức mạnh của hai bên.

Có thể thấy, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, bộ đôi lãnh đạo Trung Quốc  Tập Cận Bình-Lý Khắc Cường áp dụng chiến thuật kết hợp vừa “đánh”, vừa “lôi”. Tuy nhiên, chiến thuật chỉ là công cụ phục vụ cho chiến lược và với vai trò là nhà lãnh đạo một nước lớn, chiến lược ngoại giao của hai nhà lãnh đạo này không những phải phù hợp với lợi ích quốc gia của Trung Quốc, mà còn cần phải phù hợp với hòa bình và phát triển của khu vực và toàn cầu.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Theo TPO