ASEAN và đối tác thảo luận an ninh khu vực

Google News

(Kiến Thức) - Các bộ trưởng ASEAN và các đối tác sẽ tiến hành hội nghị 3 ngày ở Brunei bắt đầu từ ngày 29/6 để bàn về vấn đề an ninh và kinh tế.

 

Các nhà ngoại giao hàng đầu đại diện cho các nước ASEAN, 16 nước Châu Á và Liên minh Châu Âu sẽ gặp nhau tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Brunei.

Theo VOA, Diễn đàn Khu vực ASEAN dài 3 ngày sẽ bàn tới những mối quan tâm về an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương và các kế hoạch hợp tác chính trị-kinh tế. Các nhà phân tích cho biết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ được mang ra thảo luận.

Ông Murray Hiebert, một chuyên gia về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết tuy mối quan tâm về hạt nhân là một vấn đề ưu tiên, nhưng những mối căng thẳng ở Biển Đông mới là tâm điểm của sự chú ý của khối ASEAN.

Ông Hiebert nói: "Tôi nghĩ rằng vấn đề thật sự cần theo dõi là cuộc thảo luận về Biển Đông. Bởi vì, hồi năm ngoái các bên đã họp ở Campuchia và cuộc đàm phán đã bị đổ vỡ một cách thật tệ hại khi các vị ngoại trưởng của ASEAN, lần đầu tiên trong lịch sử, không thể đưa ra một tuyên bố chung”.

Thái Lan đã cố gắng điều hợp các mối quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc, nhưng không đạt được tiến bộ nào đáng kể cho vấn đề này. Giáo sư Thitinan Ponsudirak, giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói rằng Thái Lan đang ở trong một tình huống khó khăn về mặt ngoại giao. Ông nói: “Một mặt chúng ta có Trung Quốc, một siêu cường tại chỗ. Thái Lan rất gần gũi với Trung Quốc. Vì vậy có thể nói đây là một hành động để tìm sự cân bằng. Chỉ riêng việc tìm được sự cân bằng trong hành động đã khó. Việc đạt được cân bằng và thúc đẩy để có được một Bộ Qui tắc Hànb xử ở Biển Đông…thật không dễ dàng”.

Mỹ đã tuyên bố việc duy trì hòa bình ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông là “quyền lợi quốc gia”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến sẽ đến dự hội nghị của ASEAN tại Brunei lần đầu tiên.

Giáo sư Thitinan cho rằng ông Kerry đối mặt với một tình huống khó khăn hơn so với người tiền nhiệm là bà Hillary Clinton. Giáo sư Thitinan nói: “Biển Đông hiện nay nóng hơn nhiều so với thời của bà Clinton. Vì vậy sẽ có nhiều thách thức hơn đối với Mỹ để nắm giữ vai trò của một nhà hòa giải thành thật với các nước bạn và các nước đồng minh trong khu vực mà không gây bất bình cho Trung Quốc, một cường quốc đang trỗi dậy”.

Tại các cuộc họp riêng rẽ ở Brunei, các vị bộ trưởng của ASEAN cũng sẽ tập trung thảo luận về vấn đề hội nhập kinh tế. Mười nước hội viên ASEAN có kế hoạch thành lập một cộng đồng kinh tế vào cuối năm 2015 qua việc hạ thấp rào cản thương mại và dòng chảy lao động.

 ASEAN cũng sẽ tập trung thảo luận về vấn đề hội nhập kinh tế.

Tuy nhiên, nhà phân tích Murray Hiebert cho biết mặc dù ASEAN tuyên bố kế hoạch này đã hoàn tất được 74% nhưng một số nước hội viên đang làm cho tiến bộ bị chậm lại. Ông nói rằng Indonesia, nước có nền kinh tế lớn nhất trong khối ASEAN, đã áp dụng những biện pháp bảo hộ trong vài năm qua làm cho việc nhập khẩu nông sản trở nên khó khăn hơn.

Ông Hiebert cũng cho biết Brunei đang gặp áp lực về tiến độ trong năm nay vì Myanmar sẽ giữ chức chủ tịch ASEAN vào năm 2014. Nhiều người e rằng quốc gia đang cải cách này có thể sẽ không có đủ khả năng để thúc đẩy nghị trình làm việc của ASEAN.

Brunei sẽ tổ chức các hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 10 với các nhà lãnh đạo Đông Á cộng với các nước Australia, Ấn Độ, New Zealand, Nga và Mỹ.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Văn Bình