Theo Cao ủy tị nạn Liên Hợp Quốc (HCR) và Tổ chức Di dân Quốc Tế (OIM), trong năm 2015, khoảng một triệu người nhập cư đã đặt chân tới lãnh thổ Châu Âu. Đây là làn sóng di dân, tị nạn lớn nhất kể từ sau Đệ nhị Thế chiến. Tình trạng này buộc Liên minh Châu Âu phải nhanh chóng tìm ra biện pháp đối phó cuộc khủng hoảng nhập cư.
|
Người tị nạn vượt rào trên biên giới Hungary.
|
Từ Brussels, thông tín viên Quentin Dickinson của đài RFI nêu ra năm thách thức đối với Châu Âu :
“Thách thức đầu tiên là Liên minh Châu Âu (EU) phải tìm cách kìm hãm hoặc ít nhất làm chậm làn sóng nhập cư đổ vào Châu Âu, khiến cho khả năng tiếp nhận của các nước Châu Âu hoàn toàn bị bão hòa. Chính vì thế, EU đã ký các thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nước, viện lý do nguyên tắc, đã chỉ trích thỏa thuận này. Trong khi đó, một số quốc gia khác lại ủng hộ vì cho rằng do tình hình khẩn cấp.
Thách thức thứ hai là cần nâng cao khả năng, chủ yếu là của Hy Lạp và Italy nhưng không chỉ có hai nước này, trong việc đón nhận người nhập cư, xin tị nạn trong các trung tâm định cư ngắn hạn đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh, y tế của Châu Âu.
Thách thức thứ ba là cần phải tiến hành chọn lọc trong các trung tâm tiếp nhận này, xem ai là những người có quyền chính đáng được hưởng sự bảo hộ của quốc tế và những người khác, không thể có cơ may được hưởng quy chế tị nạn theo quy định của Liên Hợp Quốc.
Thách thức thứ tư là nhanh chóng cho hồi hương những người không đủ tiêu chuẩn cấp quy chế tị nạn mà không cần chờ đợi tiến hành trục xuất từng trường hợp những người nhập cư trái phép và phải bảo đảm là việc cho hồi hương này không bị chính quyền nước sở tại từ chối.
Cuối cùng, thách thức thứ năm là Liên minh Châu Âu phải tiến hành phân chia tiếp nhận những người tị nạn một cách công bằng giữa 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu và thách thức này không phải là nhỏ”.
Thực ra, đáp ứng được cách thách thức nói trên mới chỉ giải quyết phần ngọn, chứ chưa giải quyết tận gốc vấn đề.
Trong nhiều thập niên qua, Châu Âu đã nhiều lần nói đến việc hỗ trợ những nước nghèo phát triển, cải thiện đời sống người dân, qua đó, làm giảm làn sóng di dân sang Châu Âu. Một số dự án đã được thực hiện, nhưng quá ít ỏi và không mang lại hiệu quả cụ thể.
Ngoài vấn đề kinh tế, xung đột quân sự, chiến tranh, độc tài, sự hoành hành của các tổ chức Hồi giáo cực đoan muốn áp đặt lối sống hà khắc nhân danh tôn giáo… cũng buộc hàng trăm ngàn người lánh nạn.
Theo số liệu của HCR và OIM, trong số một triệu người vượt Địa Trung Hải để vào Châu Âu trong năm nay, có tới nửa triệu là người Syria phải rời bỏ quê hương bản quán ra đi để tránh chiến tranh. (Cũng trong số này có 20% là người Afghanistan và 7% là người Iraq).
Làn sóng nhập cư ồ ạt đã khiến cho các nước Châu Âu lúng túng và làm xuất hiện tư tưởng bài ngoại ở một số nơi. Trong những tháng qua, Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc và Tổ chức Di dân Quốc tế đã liên tục phê phán một số nước Châu Âu như Hungary lập hàng rào ngăn chặn ở biên giới. Còn Thụy Điển - quốc gia vốn nổi tiếng với mô hình xã hội công bằng bác ái, nay ban hành nhiều biện pháp thắt chặt kiểm soát ở biên giới. Chính phủ Đan Mạch còn có dự án tịch thu trang sức và các đồ có giá trị khác của người nhập cư, với lý do bù lại phần nào chi phí đón tiếp họ.
Các biện pháp đối phó của Châu Âu, nếu như được thực hiện tốt, chỉ có thể giảm được phần nào làn sóng nhập cư và trong năm 2016, nhưng di dân vẫn là một trong những vấn đề gai góc đối với Châu Âu.
Minh Châu (TH)