4 ngày CP đóng cửa: Vai trò toàn cầu của Mỹ rớt thảm

Google News

(Kiến Thức) - Chính phủ Mỹ đóng cửa gây ra nhiều rủi ro toàn cầu, khi Washington có khả năng không còn thực thi các cam kết và khiến cho  các đồng minh lo ngại.

 Tổng thống Obama.
Đồng minh lo ngại, đối thủ hả hê
Nhiều quyết sách đối ngoại gần đây phản ánh tầm nhìn của ông chủ Nhà Trắng.
Những minh chứng điển hình nhất bao gồm việc đắn đo, miễn cưỡng vũ trang cho quân nổi dậy Syria; sự thờ ơ, lãnh đạm với những lời kêu gọi lật đổ cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và việc hăm hở, nồng nhiệt chào đón các cuộc đàm phán tương lai với Iran về vấn đề hạt nhân - bất chấp việc làm phật lòng các đồng minh lâu năm, bao gồm cả Saudi Arabia và Israel.
Ông Ian Brzezinski, một thành viên cao cấp của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết, hiện nay mối nghi ngờ về khả năng Mỹ có thể giải quyết bê bối riêng – thông qua dự luật chi tiêu chính phủ và trả nợ công – đang làm sâu sắc thêm mối quan ngại về khả năng thực thi các vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng và hiện thực hóa các cam kết với thế giới bên ngoài của họ.
“Bê bối này tăng thêm mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về sức mạnh của nước Mỹ cũng như khả năng đảm nhiệm vai trò quốc gia quan trọng nhất thế giới”,  Ian Brzezinski nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đối với những đối thủ của cường quốc số 1 thế giới, bê bối này lại là chuyện khiến họ hả hê, mở cờ trong bụng.
“Bê bối chính phủ Mỹ đóng cửa tuy nhiên lại khiến một số đối thủ muốn tranh giành, chia sẻ quyền lực  hả hê”, ông Brzezinski bình luận.
Tín hiệu từ thị trường châu Âu
Trên sàn chứng khoán châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 Index đã giảm 0,7% xuống còn 310,79 vào cuối phiên tại London, đánh dấu mức trượt giảm mạnh nhất kể từ ngày 30/8.
Trong khi đó, Bloomberg US Dollar Index – theo dõi tỷ giá của tiền tệ Mỹ so với 10 loại tiền tệ mạnh hàng đầu thế giới đã giảm 0,4% ngay trong ngày đầu tiên chính phủ đóng cửa. Đây là mức giảm trong ngày lớn nhất trong 2 tuần qua. Theo ông Jeremy Batstone - Carr, trưởng nhóm nghiên cứu tại Charles Stanley Group Plc (CAY) có trụ sở ở London, đây là một dấu hiệu thị trường gửi tới nhà lập pháp rằng, việc đóng cửa chính phủ không phải là lựa chọn khôn ngoan.
Các chuyến công du nước ngoài bị trì hoãn
Nhà Trắng đã thông báo, việc chính phủ đóng cửa buộc Tổng thống Obama phải hủy bỏ chuyến công du châu Á trong đó bao gồm Malaysia và Philippines theo dự kiến trước đó sẽ diễn ra bắt đầu từ ngày mai.
Chính phủ Mỹ đang tiếp tục xem xét việc hủy bỏ các chuyến công du khác của Tổng thống bao gồm, “chuyến thăm Indonesia dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương và một chuyến công du Brunei", bà Caitlin Hayden, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố hôm qua.
Tuy nhiên, ở châu Á, bất cứ sự thay đổi nào trong kế hoạch của Tổng thống Mỹ sẽ kéo theo tác động chiến lược và mang tính biểu tượng, ông Charles Kupchan, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại tại Washington bình luận.
"Đặc biệt nhất là ở khu vực Đông Á - nơi nhiều quốc gia có các xu hướng địa chính trị dài hạn không cố định và bền vững, luôn loay hoay cân nhắc xem nên đứng về phía Mỹ hay Trung Quốc. Và đây lại là thời điểm quan trọng để ông Obama chứng tỏ mình để lôi kéo đồng minh”, ông Kupchan nhấn mạnh.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như các quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn như Philippines đang ra sức tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ trong việc cân bằng quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc.
“Viễn cảnh ảm đạm bao trùm”
 Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel.
Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã thẳng thắn đề cập về tác động của việc chính phủ đóng cửa trong chuyến công du Seoul, nhấn mạnh chiến lược xoay trục về châu Á của Washington, bao gồm tăng cường bổ sung các nguồn lực quân và ký các hiệp định thương mại.
“Việc này (bê bối chính phủ đóng cửa) phủ một viễn cảnh ảm đạm đáng kể lên lòng tín nhiệm của các đồng minh đối với chúng tôi. Việc này tác hưởng tiêu cực nặng nề đến các mối quan hệ của chúng tôi trên toàn thế giới. Bê bối này cũng đập thẳng vào mặt chúng tôi câu hỏi rõ ràng: Liệu có thể dựa vào Mỹ trong vai trò là một đối tác đáng tin cậy có khả năng thực thi các cam kết của họ hay không?”, ông Chuck Hagel nhấn mạnh.
Một trong những cam kết đó bao gồm các sáng kiến mới về việc đàm phán với Iran về vũ khí hạt nhân. Trong đó, hiện nay không ngạc nhiên khi nhiều quan ngại nổi lên về khả năng Tổng thống Obama thành công trong việc thuyết phục Quốc hội Mỹ nới lỏng trừng phạt với Iran để đổi lấy thỏa thuận nước này thu hẹp quy mô chương trình hạt nhân.
Nếu ông chủ Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ không thống nhất được về một thỏa thuận để tái mở cửa chính phủ, theo ông Brzezinsk, Washington sẽ khó lòng thuyết phục các quốc gia khác tin họ có khả năng giải quyết các vấn đề khác ở bên ngoài với mức độ khó khăn, nhạy cảm hơn nhiều.
Phản ứng hoài nghi và thất vọng trước việc chính phủ Mỹ đóng cửa lan khắp châu Âu và cả thế giới. Tại Đức, tạp chí Spiegel nhấn mạnh cảnh báo, “bản thân một siêu cường đã lâm vào tình trạng tê liệt”. Báo Pháp Le Monde thì mỉa mai bê bối này bằng cách gọi “cha đẻ” của nền dân chủ Mỹ - cựu Tổng thống, Thomas Jefferson - sống dậy, “Hãy sống dậy mà xem, ông Jefferson, tất cả bọn họ đã phát điên”.
Ben Knight, một phóng viên của Broadcasting Corp, Australia nhấn mạnh, “Nước Mỹ tự xem mình là nền dân chủ vĩ đại nhất thế giới. Nhưng những gì đang diễn ra tuần này đã phủ nhận điều đó”.
Thêm vào đó là sự phân cực ngày càng mở rộng của nền chính trị Mỹ đã được minh chứng bằng việc chính phủ Mỹ đóng cửa. Đồng thời, bê bối lần này đã phán ánh, tầm nhìn của Mỹ rõ ràng đã không còn sáng suốt, mạnh mẽ, chắc chắn và đáng tin cậy nữa”, ông Brzezinski nói.
Trong khi đó, John Bellinger, cựu cố vấn hàng đầu trong Hội đồng An ninh Quốc gia thời Mỹ hứng chịu cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001 chia sẻ về một mối nguy hiểm khác.
"Họ cần quan tâm sâu sắc hơn về những rủi ro mà họ đang đặt ra đối với an ninh của nước Mỹ và tất cả người Mỹ khi mà đất nước này vẫn đang còn ở trong cuộc chiến khủng bố và có nguy cơ cao bị tấn công khủng bố", ông Bellinger nhấn mạnh.
Bạch Dương (Theo bloomberg)