Hôm 29/9, Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út Adel Al-Jubeir cảnh cáo rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức hoặc đối mặt với khả năng bị lật đổ bằng vũ lực. Tuy nhiên, ông Adel Al-Jubeir cũng nhấn mạnh rằng một giải pháp chính trị mà có thể dẫn tới việc gạt bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ là hướng ưu tiên vào thời điểm này.
|
Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út Adel Al-Jubeir.
|
Ông Al-Jubeir cũng cảnh báo rằng Ả-rập Xê-út sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nhóm đối lập ở Syria.
Ngoại trưởng Jubeir cũng khước từ lời kêu gọi của Nga về việc tham gia một liên minh quốc tế giúp ông Assad chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và một lần nữa khẳng định rằng, lựa chọn tốt nhất đối với ông Assad là nên từ chức.
“Chẳng có tương lai nào cho ông Assad ở Syria cả bất kể ông ta có nhận được sự ủng hộ của Nga hay bất cứ ai”, Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út phát biểu với báo giới sau cuộc họp với các nước đồng minh ở New York.
Hai kịch bản ổn định tình hình Syria
Ngoại trưởng Jubeir cho biết, theo quan điểm của Ả-rập Xê-út, hiện có hai kịch bản để ổn định tình hình chính trị ở Syria.
“Lựa chọn đầu tiên đó là một giải pháp chính trị, qua đó thành lập một hội đồng chuyển tiếp hợp pháp. Đây là một lựa chọn được ưu tiên vào lúc này”, Ngoại trưởng Jubeir cho hay.
|
Theo quan điểm của Ả-rập Xê-út, Tổng thống Assad không có vị trí nào trong tiến trình ổn định tình hình ở Syria.
|
Sau đó, ông tiếp tục đưa ra kịch bản thứ hai để giải quyết vấn đề Syria và nói: "Lựa chọn khác là giải pháp quân sự buộc ông Assad phải rời ghế lãnh đạo Syria. Đó có thể là một tiến trình kéo dài, nhưng mọi việc hoàn toàn phụ thuộc vào ông Assad”.
Ngoại trưởng Jubeir không nói rõ về lựa chọn quân sự mà ông đề cập. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, Ả-rập Xê-út ủng hộ “phiến quân ôn hòa” do liên minh quốc tế đào tạo.
Cuối cùng, Ngoại trưởng Jubeir nói rằng Tổng thống Assad nên chấp nhận các điều khoản của Thỏa thuận Geneva I được ký kết trong Hội nghị hòa bình năm 2012, mở đường cho một chính phủ chuyển tiếp. Theo kế hoạch này, ông Assad sẽ ngay lập tức trao quyền lực cho hội đồng lập pháp bao gồm cả các thành viên trong chính quyền của ông Assad và phe đối lập.
Chỉ có điều, Ngoại trưởng Jubeir không hề đả động tới việc liệu các nước phương Tây và những nước phản đối chính quyền của Tổng thống Assad có thể làm gì trước sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Nga ở Syria, cùng với Iran.
Ở một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngỏ ý sẵn sàng thảo luận với Nga để tìm cách chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria hiện bước sang năm thứ 5 và cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người, khiến hàng triệu người dân phải chạy sang các nước khác. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa đề xuất về một cuộc họp với sự tham gia của Nga, Ả-rập Xê-út, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để cùng tìm ra một hướng giải quyết cho cuộc khủng hoảng Syria.
Cho đến nay, phía Mỹ vẫn giữ vững lập trường rằng trong bất cứ giải pháp nào Tổng thống Assad cũng phải từ chức.
Thanh Nga (theo DW)