|
Ai Cập tĩnh lặng trước cơn bão.
|
Trái với dự đoán, vào ngày Thứ Sáu (2/8) vừa qua, tình hình ở Ai Cập khá yên tĩnh. Trước đó, những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Mursi và "Anh em Hồi giáo" đã kêu gọi tổ chức “cuộc diễu hành của hàng triệu người chống lại cuộc đảo chính quân sự”. Trên thực tế, sau lễ cầu nguyện buổi tối, theo truyền thống, những người dân tại Cairo và vùng ngoại ô đã lên đường đi đến chỗ tổ chức mít tinh, nhưng không thể vượt qua hàng rào cảnh sát. Các đơn vị an ninh cho phép mọi người ra khỏi quảng trường, nhưng không cho phép ai vào đó. Kết quả là, một số người đã bị thương, nhưng không có ai bị thiệt mạng.
Không loại trừ rằng đó chỉ là khoảng lặng trước cơn bão. Mới đây, chính quyền Ai Cập đã đưa ra tối hậu thư buộc những người tham gia các hoạt động phản đối đến ngày 4/8 họ phải chấm dứt các hành động, kể cả các cuộc biểu tình ngồi. Nếu không thì quân đội sẽ “giải quyết vấn đề”. Trong thông báo không nói gì về những biện pháp quân sự.
Đại diện phong trào "Anh em Hồi giáo" Mohammed al-Beltagi lo ngại rằng, biện pháp giải tán biểu tình có thể gây ra vụ đổ máu: “Tôi xin nhấn mạnh rằng, quyết định sử dụng vũ lực để giải tán những người tham gia biểu tình ngồi tạo nguy cơ đe dọa hàng nghìn sinh mạng. Giới quân sự đã quên nhiệm vụ quan trọng nhất của họ - bảo vệ biên giới của Ai Cập - và đã thông qua quyết định giết chết người dân của nước mình!”
Trong khi đó, Phó Tổng thống Ai Cập Mohamed ElBaradei tin chắc rằng, quân đội hiểu rõ phải có giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng trong nước. Hơn nữa, theo ông El Baradei, chính phủ lâm thời không có ý định gạt phong trào "Anh em Hồi giáo" khỏi tiến trình chính trị. Ông sẵn sàng bảo đảm an toàn cho những nhà lãnh đạo Hồi giáo đã không phạm tội nghiêm trọng để họ có thể tham gia qúa trình thay đổi hiến pháp, bầu cử quốc hội và tổng thống.
Cố vấn chính trị Dmitry Gusev cho biết: “Trong thời gian 30 năm qua, ‘Anh em Hồi giáo’ đã bị ruồng bỏ, nhưng, bây giờ phong trào này là một phần của hệ thống chính trị. Bất kỳ chính phủ nào muốn có quy chế hợp pháp tại Ai Cập phải chú ý đến yếu tố này. Có nghĩa là, nếu ‘Anh em Hồi giáo’ không tham gia bầu cử, không tham gia quá trình chính trị, thì mọi chính quyền Ai Cập sắp tới sẽ là bất hợp pháp trong con mắt của dân chúng và cộng đồng quốc tế”.
Chính phủ lâm thời của Ai Cập được thành lập sau khi quân đội lật đổ Tổng thống Mohammed Mursi đã hứa rằng, sau 6-12 tháng họ sẽ tổ chức cuộc bầu cử. Nhưng để được như vậy, trước hết chính quyền này phải ổn định lại tình hình trong nước. Trong điều kiện cuộc đối đầu vẫn tiếp tục, quá trình dân chủ ở Ai Cập có thể bị trì hoãn.
Văn Bình (theo VOR)