Dường như chắc chắn, người kế vị Quốc vương Thái Lan Bhumibol sẽ là Thái tử Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi. Mặc dù không nổi tiếng như người cha quá cố, nhưng dường như Thái tử Maha Vajiralongkorn lại nhận được sự ủng hộ của Quân đội Thái Lan vốn lên nắm chính quyền trong năm 2014.
|
Thái tử Maha Vajiralongkorn dường như nhận được sự hỗ trợ của quân đội Thái Lan để lên kế vị Quốc vương Bhumibol Adulyadej. Ảnh The Telegraph |
Nhiều người Thái Lan muốn con gái thứ hai của Quốc vương Bhumibol là công chúa Maha Chakri Sirindhornn, 61 tuổi, lên làm vua. Công chúa Maha Chakri Sirindhornn được người Thái Lan tôn vinh là "Công chúa Thiên thần" nhờ các công việc từ thiện và bản chất từ bi.
Mặc dù trong năm 1972, Quốc vương Bhumibol đã chỉ định Thái tử Maha Vajiralongkorn là người kế vị, nhưng Hiến pháp Thái Lan được thay đổi sau đó 2 năm cũng cho phép các công chúa lên ngôi, nếu được nhà vua lựa chọn.
Ngay cả hiến pháp mới, được chính quyền quân sự soạn thảo và đã được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý tháng năm 8/2016, cũng cho phép nhà vua chọn người kế nhiệm khác. Trong trường hợp Quốc vương Bhumibol không có khả năng thực hiện một sự lựa chọn, Hội đồng Cơ mật có thể đề đạt người lên kế vị để Quốc hội Thái Lan phê chuẩn.
Tuy nhiên, Thái tử Vajiralongkorn được cho là sẽ lên ngôi vua. Một nguồn tin tại Bangkok cho biết: "Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) đã đặt thái tử vào địa vị tối thượng và trung tâm trong một chiến dịch phối hợp sau đảo chính. Ví dụ, trong sự kiện ‘Xe đạp cho cha' năm 2015 để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 88 của Quốc vương Bhumibol –vị cha già dân tộc, Thái tử Maha Vajiralongkorn đã dẫn đầu trong cuộc đua xe đạp đại chúng ở Bangkok”.
Vào thời điểm đó, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha thông báo rằng cuộc đua xe đạp này là để đáp ứng mong muốn của Thái tử Vajiralongkorn "khuyến khích người dân Thái Lan đến từ tất cả các tầng lớp xã hội bày tỏ lòng biết ơn và lòng trung thành của họ”.
Nguồn tin ở Bangkok cho biết: "Mục đích của chính quyền quân sự là duy trì quyền lực và chính quyền này coi sự hỗ trợ cho thái tử là một trong những cách để đảm bảo mục tiêu này. Chính quyền quân sự cũng vừa bổ nhiệm 33 nhà lập pháp, phần lớn trong số họ là quân nhân, để chuẩn bị cho bất kỳ sự thay đổi pháp luật nào có thể được yêu cầu”.
Trong khi đó, phe Áo đỏ, chính thức được gọi là Mặt trận Thống nhất vì Dân chủ chống độc tài, đang có cách tiếp cận chờ đợi. Nguồn tin ở Bangkok cho biết mọi thứ phụ thuộc vào quá trình kế vị kéo dài bao lâu.
Trong một động thái được cho là ngăn chặn trước, người đứng đầu phe Áo đỏ là Jatuporn Prompan đã bị đưa trở lại nhà giam vào đầu tuần này, với cáo buộc vi phạm điều kiện tại ngoại vì đã châm biếm chính quyền quân sự trong một chương trình truyền hình.
Minh Châu (Theo Asia Times)