Trao đổi với Zing.vn, cựu đại sứ Nguyễn Ngọc Trường cho hay máy bay ném bom B-52 của Mỹ không thể nhầm lẫn dẫn tới áp sát đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp phi pháp ở Biển Đông.
- Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ vừa bay vào khu vực hai hải lý xung quanh đá Châu Viên, một đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông trong bối cảnh Nhà Trắng tuyên bố không tiến hành các hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải. Liệu đây có phải sự nhầm lẫn?
- Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường: Đây không phải sự nhầm lẫn. B-52 là máy bay ném bom chiến lược của Mỹ. Dù được đưa vào sử dụng từ những năm 1950, nó vẫn đóng vai trò quan trọng trong Không lực Mỹ. Mẫu máy bay ném bom chiến lược này cũng liên tục được cải tiến để đáp ứng các nhiệm vụ tác chiến mới của Hải quân Mỹ. Trường hợp chúng bay lạc vào vùng không phận phía trên các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông không thể xảy ra.
|
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường. Ảnh: Hồng Duy |
Dù Washington tuyên bố không có kế hoạch tuần tra Biển Đông trong những ngày cuối năm 2015 nhưng chắc chắn Mỹ không từ bỏ việc tuần tra. Gần đây, Mỹ liên tục thực hiện các hoạt động như tuần tra Biển Đông bằng tàu và máy bay hay bán vũ khí cho đảo Đài Loan, Trung Quốc.
- Giáo sư Carl Thayer: Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng chuyến bay của B-52 là một phần trong chương trình tiến hành từ năm 2004 nhằm duy trì sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom này trong khu vực Đông Á. Nói cách khác, hoạt động của B-52 không phải thuộc về các hoạt động khẳng định tự do hàng hải được xây dựng nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền tham lam của Trung Quốc.
|
Giáo sư Carl Thayer (bên phải), chuyên gia thuộc Học viện Quốc phòng Australia, tham dự hội nghị về Biển Đông tại Vũng Tàu. Ảnh: Hải An. |
Phía Lầu Năm Góc đã giải thích rằng thời tiết xấu là một trong những lý do khiến B-52 bay ngoài lộ trình dự kiến. Họ nói đã bắt đầu điều tra về sự việc. Về bề ngoài, đây là một hành động vô tình. Nếu Mỹ quả thực thực hiện một chuyến bay tuần tra khẳng định FON mà lại phủ nhận nó, thì điều này sẽ phủ nhận mục đích của chương trình FON.
- Giới báo chí Mỹ từ lâu đưa tin về mâu thuẫn Nhà Trắng và Lầu Năm Góc trong cách phản ứng trước tình hình ở Biển Đông. Sau sự cố mới nhất của B-52, ông nhận định thế nào về khả năng bất đồng này?
- TS Nguyễn Ngọc Trường: Với những gì Mỹ đang thể hiện, tôi đánh giá đây là sự thận trọng của Washington và đã tính đến quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ cần chú trọng tới mục đích của mình.
Trong năm 2014 và 2015, Mỹ chọn giải pháp thiên về xoa dịu Trung Quốc nhưng Bắc Kinh làm tới ở Biển Đông, buộc Washington phải hành động đáp trả. Trong khi đó, đồng minh và các đảng phái trong nước cũng đang gây sức ép nên Nhà Trắng buộc phải hành động. Đây không phải là sự mâu thuẫn. Tất cả các hành động của Lầu Năm Góc đều được tính toán cẩn trọng và có sự chấp thuận của Nhà Trắng.
- Giáo sư Carl Thayer: Tổng thống Mỹ chính là tổng tư lệnh và chỉ huy tất cả binh chủng vũ trang. Bộ trưởng Quốc phòng xuất thân từ dân sự và báo cáo trực tiếp cho tổng thống. Về mặt tổ chức, quân đội là cấp dưới trong chuỗi ra quyết định. Nếu bất đồng thực sự tồn tại giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ luôn thực hiện những điều mà họ được ra lệnh. Nói cách khác, khả năng một chỉ huy quân sự ra lệnh cho B-52 bay gần đá Châu Viên, đi ngược lại với những chỉ đạo từ cấp trên, là điều khó có thể xảy ra.
- Vụ việc xảy ra từ tuần trước nhưng phía Mỹ không công bố thông tin. Nó phản ánh điều gì thưa ông?
- TS Nguyễn Ngọc Trường: Trên thực tế, Mỹ thừa nhận việc B-52 áp sát đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh lên tiếng chỉ trích. Việc không công khai là hành động nhằm giữ thể diện cho Trung Quốc và không làm gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục các bước đi nhằm hiện thực hóa yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông nên Mỹ sẽ tiếp tục can thiệp.
- Lầu Năm Góc cho biết họ đang điều tra vụ việc. Theo ông, Mỹ sẽ giải quyết sự cố này như thế nào, cũng như đối phó với sự phản đối của Trung Quốc ra sao?
- GS Carl Thayer: Theo tôi, Mỹ sẽ điều tra làm rõ vụ việc sau khi Trung Quốc đã phản đối về mặt ngoại giao. Những phản đối của Bắc Kinh đều thực hiện qua kênh ngoại giao, nên Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ phải phối hợp với nhau.
Đầu tiên, Lầu Năm Góc cần liên lạc với tư lệnh Bộ chỉ huy của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM). Sau đó, vị này sẽ yêu cầu phía lực lượng ở đảo Guam là nơi mà B-52 xuất phát để tìm hiểu vụ việc. Các quan chức ở Guam sẽ điều tra toàn bộ phi công và chuyên viên kỹ thuật liên quan đến chuyến bay. Mỹ sẽ phản hồi Trung Quốc thông qua công hàm ngoại giao, một số quan chức Mỹ cũng sẽ có tuyên bố chính thức. Washington sẽ khẳng định rằng chuyến bay của B-52 không đe dọa an ninh của Bắc Kinh, và hoạt động này phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường là cựu đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan kiêm Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế.
Giáo sư Carl Thayer là nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng. Ông được biết đến trên phạm vi quốc tế qua các nghiên cứu và xuất bản ấn phẩm về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á. Ông hiện là chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia.
Theo Zing.vn