Báo chí Thái Lan: Bangkok bất lợi vì thân… Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Liệu Thái Lan có mất vai trò trung tâm khu vực vào tay Myanmar vì… thân Trung Quốc?

 Nữ Thủ tướng Thái Lan và Ngoại trưởng TQ Vương Nghị.

Đây là khả năng được nhật báo Dân tộc của Thái Lan nêu ra ngày 27/5, trong bối cảnh Myanmar vừa nhận được hậu thuẫn to lớn của hai cường quốc thế giới là Mỹ và Nhật Bản.

Trong bài nhận định “Thái Lan đi về đâu vào lúc Myanmar vươn lên”, nhà bình luận Kavi Chongkittavorn của báo Dân tộc đã không ngần ngại kêu gọi chính quyền Bangkok thức tỉnh trước nguy cơ vai trò của Thái Lan đang bị lu mờ.

Bài báo nêu bật hai dấu hiệu cho thấy là Thái Lan không còn được Nhật Bản và Mỹ trọng vọng như xưa. Trong trường hợp Nhật Bản, theo báo Dân tộc, trong buổi gặp Thủ tướng NhậtShinzo Abe tại Tokyo ngày 23/5, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã kêu gọi Nhật Bản đầu tư vào dự án khổng lồ Dawei tại Myanmar mà Thái Lan cũng tham gia.

Thế nhưng, cùng ngày, báo chí Nhật Bản nhấn mạnh rằng trong chuyến công du Myanmar, Thủ tướng Nhật Bản lại loan báo kế hoạch tài trợ dài hạn trị giá gần 1 tỉ USD cho Myanmar, nhưng với một dự án khác trong tầm nhắm, chứ không phải là kế hoạch phát triển Dawei được đề xuất – ít ra là trong thời gian trước mắt.

Tổng thống Thein Sein đã được Tổng thống Obama tiếp đón ngay tại Nhà Trắng.

Trong trường hợp Mỹ, báo Dân tộc ghi nhận rằng  trong chuyến công du nước Mỹ, Tổng thống Thein Sein đã được Tổng thống Obama tiếp đón ngay tại Nhà Trắng. Cuộc gặp này ngay sau đó đã dẫn việc ký kết một hiệp định khung về thương mại và đầu tư - một điều mà Thái Lan (đồng minh lâu đời nhất của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á) đã không làm được.

Mặt khác, cũng theo báo Dân tộc, Thủ tướng Thái Lan Yingluck cũng chưa hề được chính thức mời đến thăm Nhà Trắng, cho dù trong tuần qua, hai nước đã kỷ niệm 180 năm thiết lập quan hệ ngoại giao!

Myanmar đi lên, Thái Lan đi xuống


Theo nhà bình luận Kavi Chongkittavorn, ở Thái Lan hiện nay đã xuất hiện mặc cảm ngày càng mạnh là đất nước đang đi xuống trong lúc Myanmar lại vươn lên - với Tổng thống Thein Sein được biết đến ở Mỹ là "biểu tượng của cải cách", trong khi lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi là "biểu tượng của dân chủ".

Ông Kavi Chongkittavorn ngậm ngùi: “Thái Lan từng là trung tâm của các sáng kiến đối ngoại của Mỹ-Nhật liên quan đến Đông Nam Á. Nhưng những ngày đó giờ đã không còn nữa. Bây giờ, ‘đất nước của những nụ cười’ đã bị Myanmar thay thế”.

Vì sao nên nỗi ? Báo Dân tộc nêu bật một nguyên nhân: Thái Lan đã không thích ứng kịp với chính sách “tái cân bằng” của Mỹ qua châu Á được tuyên bố vào tháng 11/2011.

Myanmar đã chuyển đổi nhanh chóng và cho thấy muốn thoát khỏi thế phụ thuộc vào Trung Quốc để phát triển quan hệ đa dạng với các nước lớn khác như Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Nhật Bản. Myanmar đã thành công, trong lúc Thái Lan thì thất bại.

Thái Lan có biểu hiện quá thân Trung Quốc

Theo báo Dân tộc, đã đến lúc Thái Lan đã phải thức tỉnh trước thực tế khắc nghiệt rằng Mỹ không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Với sự nổi lên của Trung Quốc và các hệ quả ngoại giao kèm theo, Washington không ủng hộ cách tiếp cận của Bangkok. Giới hoạch định chính sách và các học giả tại Mỹ luôn luôn có ấn tượng rằng Thái Lan ủng hộ Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ  rất khó thiết lập một liên minh thực thụ với Thái Lan trong môi trường an ninh mới, khác hẳn với các đồng minh còn lại của Mỹ trong khu vực như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

Thủ tướng Nhật Bản loan báo kế hoạch tài trợ dài hạn trị giá gần 1 tỉ USD cho Myanmar.

Bộ Ngoại giao Thái Lan thường nhắc lại rằng Bangkok không theo bất kỳ bên nào, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Thế nhưng theo báo Dân tộc, trong thế giới ngoại giao “hành động cụ thể có giá trị hơn lời nói” và xét về khía cạnh này, Thái Lan đã nghiêng về phía Trung Quốc.

Bài bình luận đăng trên báo Dân tộc kết luận: Trừ phi có những thay đổi đáng kể trong giới lãnh đạo cao cấp của Bộ Ngoại giao cũng như trong một số nguyên lý cơ bản, chính sách đối ngoại liên quan đến các cường quốc thế giới của Thái Lan sẽ tiếp tục bị suy yếu hơn nữa. Hệ quả là Thái Lan - dù có vị trí độc đáo trên lục địa Đông Nam Á - sẽ không thể là đầu tàu khu vực như Bangkok hằng mong muốn.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Văn Bình (theo báo Dân tộc)