Báo TQ "tố" Philippines gây áp lực từ Vịnh Subic

Google News

(Kiến Thức) - Tờ China Daily cáo buộc, kế hoạch chuyển lực lượng Không quân và các căn cứ hải quân tới vịnh Subic của Philippines là nhằm gây áp lực với TQ và mời nước ngoài vào khu vực.

Tàu chiến Mỹ USS Essex neo đậu ở Vịnh Subic.
Cụ thể, trong một bài bình luận mới đây, tờ China Daily dẫn lời Phó Giám đốc Trung tâm Lịch sử và Địa lý biên giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Li Guoqiang, cáo buộc việc Philippines tập trung lực lượng quân sự gần Biển Đông là nhắm vào Trung Quốc.
“Nếu tất cả các bên liên quan triển khai các lực lượng và tiềm lực quân sự như Manila, khu vực chắc chắn sẽ biến thành một thùng thuốc nổ”, ông Li nhấn mạnh.
Trong bài bình luận, ông Li cáo buộc động thái chuyển quân tới vịnh Subic của Philippines là vi phạm tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và làm tăng nguy cơ xung đột trong khu vực.
Trong khi đó, tại Hội nghị Bộ trưởng của Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 46 tại Brunei, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, các hành động gây hấn, khiêu khích gây bất ổn ở Biển Đông của Trung Quốc tiếp tục đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với toàn bộ khu vực và vi phạm DOC.
Tại đây, Ngoại trưởng Del Rosario cũng bác bỏ các cáo buộc chống lại Philippines về vấn đề biển đảo của người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại diễn đàn an ninh khu vực.
Ông Su Hao, Giáo sư chuyên nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại Học viện Ngoại giao Trung Quốc cảnh cáo, các lực lượng bên ngoài có chung mục tiêu kìm chế Trung Quốc và Philippines đang làm phức tạp vấn đề Biển Đông.
“Những gì Manila làm là để đáp ứng yêu cầu của Washington và các đồng minh của Mỹ nhằm tìm kiếm sự hẫu thuận mạnh hơn từ phía các nước này”, ông Su cáo buộc.
Bài bình luận của China Daily cũng dẫn nhận xét từ trang Military Times có trụ sở ở Mỹ rằng, đối với chiến lược chuyển trọng tâm sang Thái Bình Dương của Lầu Năm góc, các căn cứ Philippines là một điểm dừng lý tưởng, cách căn cứ Guam 1.600 km về phía tây, nơi 4 tàu Mỹ đang hoạt động.
Tờ báo cũng dẫn lời Carl Baker, chuyên gia quốc phòng Mỹ ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Với sự nhận thức về mối đe dọa hiện hữu từ Trung Quốc, tôi cho rằng, sự hiện diện của Mỹ trong khu vực sẽ được chào đón và quan tâm hơn”.
Tuy nhiên, ông Su cũng thận trọng bình luận, vai trò của Mỹ đối với khu vực trong tương lai vẫn còn chưa rõ ràng.
"Mỹ sẽ muốn thấy Manila có khả năng đặt ra các mối đe dọa đối với Trung Quốc hoặc có thể kéo Manila về sau hậu trường. Nhưng trên thực tế, có sự miễn cưỡng ở Mỹ để theo đuổi các xung đột mở với Trung Quốc", ông Su bình luận.
Báo China Daily còn trích dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin, ngay sau khi có nguồn hỗ trợ kinh phí trong tay, chính phủ Philippines sẽ chuyển Không quân và Hải quân - bao gồm chiến đấu cơ và tàu chiến - tới vịnh Subic để có khả năng tiếp cận nhanh hơn, sâu hơn vào các vùng biển thuộc Biển Đông.
Theo các nguồn tin, việc chuyển quân tới vịnh Subic sẽ giảm thiểu tối đa thời gian cần thiết để triển khai chiến đấu cơ vào Biển Đông tới hơn 3 phút so với việc triển khai từ căn cứ không quân Clark, phía bắc Manila, căn cứ số 1của không quân Philippines.
Bến cảng sâu tự nhiên của vịnh Subic cũng có khả năng chứa 2 tàu chiến lớn mà Philippines mới tậu của Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez đã xác nhận, vịnh Subic có cảng nước sâu có thể tiếp nhận được các tàu khu trục hải quân cỡ lớn.
Các lực lượng Mỹ bao gồm tàu và máy bay cũng sẽ được cấp quyền tiếp cận tạm thời vào căn cứ quân sự Philippines.
Phó Tư lệnh Không quân Philippines, Thiếu tướng Raul Dimatatac cho biết, Manila đã mua 12 chiến đấu cơ để triển khai tới các căn cứ không quân mới được thành lập ở vịnh Subic.
"Sẽ có hai giai đoạn (liên quan đến việc chuyển quân tới vịnh Subic). Việc đầu tiên liên quan đến các nhu cầu tối thiểu của chúng tôi để khi phi đội chiến đấu cơ được triển khai tới đây, chúng tôi có thể vận hành chúng", Tướng Raul Dimatatac nhấn mạnh.
Giai đoạn thứ 2, theo ông Dimatatac sẽ liên quan đến cuộc chuyển quân thực sự từ căn cứ quân sự Clark tới vịnh Subic. Ông Dimatatac cũng cho biết vịnh Subic đã có một đường băng và một bãi đậu.
Bạch Dương (Phistar)