Tuyên bố của ông Biden được đưa ra hôm qua khi đang ở thăm Tokyo trong khuôn khổ chuyến thăm Đông Bắc Á (bao gồm cả Trung Quốc và Hàn Quốc). Trong bài phát biểu của mình, ông Biden khẳng định, ông sẽ “trao đổi, thảo luận đặc biệt nghiêm túc” với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về động thái đơn phương lập Khu vực Nhận dạng Phòng không mới trên biển Hoa Đông (ADIZ) của nước này cuối tháng trước.
ADIZ mới của Trung Quốc bao trọn gần như toàn bộ Biển Hoa Đông, gồm cả quần đảo tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo, Điếu Ngư/Senkaku và chồng chéo với ADIZ của một số nước khác trong khu vực.
“Chúng tôi, Mỹ, quan ngại sâu sắc về các nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông. Động thái này làm tăng căng thẳng và tăng nguy cơ xảy ra sự cố trong khu vực. Do đó, Tôi muốn lưu ý về sự cần thiết phải có một cơ chế quản lý khủng khủng hoảng và các kênh truyền thông hiệu quả giữa Trung Quốc và Nhật Bản để giảm nguy cơ căng thẳng leo thang. Tôi sẽ trực tiếp nhấn mạnh mối bận tâm trọng yếu này tới các nhà lãnh đạo Trung Quốc”, Phó Tổng thống Mỹ tuyên bố trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Tokyo.
Đồng thời, ông cam đoan, Mỹ sẽ đứng về phía đồng minh, hỗ trợ Nhật trong trường hợp nước này bị tấn công quân sự.
"Chúng tôi vẫn kiên định về cam kết liên minh của chúng tôi", Phó Tổng thống Mỹ khẳng định.
Về phía Thủ tướng Abe, giới quan sát nhận định, kiên quyết cáo buộc Trung Quốc hành động sai lầm nghiêm trọng, người đứng đầu chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ, tích cực và thiết thực hơn từ đồng minh ruột, cường quốc số 1 thế giới.
Theo đó, Abe không giấu sự phấn khởi khi Mỹ nhanh chóng điều máy bay ném bom chiến lược B-52 chọc thủng ADIZ của Trung Quốc chỉ vài ngày sau khi khu vực này được công bố.
"Chúng tôi... đã đồng ý (với nhau) rằng, chúng ta không thể chấp nhận nỗ lực thay đổi hiện trạng đơn phương bằng vũ lực của Trung Quốc. Chúng tôi trên cơ sở liên minh Mỹ, Nhật mạnh mẽ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đối phó với tình hình", Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh.
|
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong cuộc họp chung tại Tokyo hôm qua.
|
Theo giới quan sát, căng thẳng tại Biển Hoa Đông đang ở mức cao nhất trong năm Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng áp lực gấp đôi để khẳng định và củng cố các tuyên bố chủ quyền của họ đối với quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Giới quan sát cảnh báo, điều này đẩy Trung, Nhật tiến sát hơn tới bờ vực xung đột vũ trang.
Mỹ, bị ràng buộc với Tokyo bởi một hiệp ước an ninh cũng nhiều lần cảnh báo về sự nguy hiểm của tình trạng thù địch leo thang giữa đồng minh chiến lược của họ và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Các nhà quan sát nhấn mạnh, Trung Quốc ngày càng mạnh phần lớn nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ. Có được sức mạnh như vậy, Bắc Kinh ngày càng tự tin và quyết đoán hơn trong tranh chấp đối với Nhật. Đây cũng là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Bắc Kinh để củng cố vị thế của họ tại khu vực vốn bị Mỹ thống trị từ lâu.
Không ít nhà phân tích cho rằng, lập ADIZ là tư duy chiến lược, bước đi có tầm nhìn xa trông rộng của Bắc Kinh trong chiến dịch làm suy yếu các tuyên bố về chủ quyền và quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với Điếu Ngư/Senkaku. ADIZ mới của Trung Quốc cũng nhằm mục đích đẩy Mỹ ra khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hôm nay, Phó Tổng thống Biden sẽ đến Trung Quốc, hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi bay tới Seoul, gặp Tổng thống Park Geun- Hye.
Bạch Dương (theo CNA)