Cải cách Hiến pháp Ukraine: Phép thử liên minh cầm quyền?

Google News

(Kiến Thức) - Báo chí Đức nhận định, cải cách Hiến pháp Ukraine về việc trao nhiều quyền hạn hơn cho các địa phương  là một phép thử đối với liên minh cầm quyền.

Sau cuộc bạo loạn bên ngoài Quốc hội hôm 31/8, các chuyên gia cho rằng, Tổng thống Petro Poroshenko đang gặp khó khăn trong việc huy động sự ủng hộ của các đảng phải đối với cải cách Hiến pháp Ukraine gây tranh cãi mà ông đề xuất lên quốc hội.
Cai cach Hien phap Ukraine: Phep thu lien minh cam quyen?
 Tổng thống Poroshenko trong một phiên họp Quốc hội.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Ukraine mở đường phân cấp quyền lực lớn hơn cho các địa phương đã nhận được tỷ lệ ủng hộ là 265/450 trong cuộc họp quốc hội hôm 31/8. Tuy nhiên, dự thảo này nếu muốn chính thức thông qua sẽ cần ít nhất 300 nghị sỹ ủng hộ trong phiên họp quốc hội tiếp theo. Nhiều chuyên gia nhận định, đó sẽ là một nhiêm vụ khó khăn đối với ông Poroshenko.
“Tranh cãi quanh việc cải cách Hiến pháp về việc phân cấp quyền lực đã tạo ra một vết nứt sâu trong nội bộ liên minh cầm quyền ở Ukraine. Thật khó để nói liệu dự luật đó có nhận được đa số phiếu cần thiết vào phút chót hay không. Một khi cải cách này thất bại, đó sẽ là trở ngại đối với ông Poroshenko”, nhật báo Đức Der Tagespiegel nhận xét.
Thực tế, ba đảng phái thuộc liên minh cầm quyền Ukraine đều bỏ phiếu chống lại sửa đổi Hiến pháp mà ông Poroshenko đưa ra. Thậm chí, một thành viên đảng Cấp tiến (Radical Party) gọi cải cách đó là “sự phản bội lại lợi ích quốc gia”.
Cần nói rằng, sửa đổi Hiến pháp mà Tổng thống Poroshenko đề xuất mở đường cho việc giao thêm quyền hạn cho các địa phương, đặc biệt là trao quyền tự trị lớn hơn cho hai tỉnh miền đông là Donetsk và Lugansk.
Cai cach Hien phap Ukraine: Phep thu lien minh cam quyen?-Hinh-2
Người biểu tình và cảnh sát đụng độ bên ngoài Quốc hội Ukraine hôm 31/8.
Đặc phái viên ở EU của Nga là ông Vladimir Chizhov chỉ trích cải cách là vi phạm Thỏa thuận Minsk bởi vì chính quyền Donetsk và Lugansk không tham gia các cuộc đàm phán về việc trao quy chế đặc biệt của vùng này với phía Kiev.
Hai tờ báo Đức là Deutsche Wirtschafts Nachrichten (DWN) và Süddeutsche Zeitung nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách này đối với phương Tây: “Tình hình đang ngày càng trở nên khó khăn cho phương Tây bởi vì Tổng thống Poroshenko không còn nhận được sự ủng hộ của tất cả các đảng phái đối với những chính sách mà ông đưa ra. Đặc biệt, các nhóm cánh hữu cực đoan giờ tỏ ra bất tuân các chỉ đạo của ông ấy”, DWN lưu ý.
Trước đó, hôm 31/8, nhiều người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát bên ngoài tòa trụ sở Quốc hội Ukraine, làm hơn 100 người bị thương sau khi các nghị sỹ nước này bỏ phiếu ủng hộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp về việc trao quy chế tự trị cho các địa phương.
Thanh Nga (theo Sputnik)