Bầu không khí vốn đã căng thẳng ở Biển Hoa Đông lại một lần nữa “dậy sóng” khi Trung Quốc tuyên bố Khu vực Nhận dạng Phòng không (ADIZ). Không lâu sau động thái đơn phương đó của Bắc Kinh, Washington đã điều hai máy bay ném bom B-52 tới khu vực này.
Động thái đó khiến nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột trong khu vực ngày càng trở nên rõ rệt. Các học giả chuyên nghiên cứu luật pháp quốc tế đặt ra dấu hỏi lớn: một bộ quy tắc hàng hải được các nước công nhận liên quan tới việc sử dụng vùng biển và không phận ở ADIZ cần ra đời.
|
Các vùng ADIZ trên biển Hoa Đông - Nguồn: Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - Đồ họa: AFP, Tuổi Trẻ
|
Từ góc độ pháp lý, các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đã khiến cho tình hình Biển Hoa Đông trở nên phức tạp. Cả Nhật và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thậm chí, một khi quần đảo này được tuyên bố chủ quyền rõ ràng, câu hỏi lớn đó là: một quốc gia sẽ có những quyền nào đối với các vùng xung quanh lãnh thổ của nó.
Căn cứ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tham gia, vùng biển ngoài khơi của một quốc gia bao gồm: lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Theo đó, các quốc gia ven biển được ủy quyền kiểm soát theo mức độ giảm dần.
Các quy phạm pháp luật chính là nền tảng cho việc xác định quyền của các nước trong hoạt động không phận trên các vùng đó. Tuy nhiên, nhiều quốc gia lại đang viện dẫn các quan điểm khác nhau đối với các quy phạm này nhằm triển khai hoạt động quân sự trên vùng EEZ của nước khác.
Trên góc độ chính trị, các căng thẳng gần đây ở Biển Hoa Đông là một lời nhắc nhở cho cộng đồng quốc tế về vụ thảm kịch hồi năm 2001. Lúc đó, ỏ đảo Hải Nam, vụ đâm nhau giữa máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ và chiến đấu cơ F-8 của Trung Quốc đã diễn ra.
Căng thẳng giảm xuống sau khi chính quyền Mỹ đưa ra lời xin lỗi, song họ cũng né tránh việc thừa nhận những hành vi sai trái của mình. Mỹ đã lấy “quyền tài phán” làm cớ để liên tục khẳng định rằng mình không hề vi phạm luật pháp quốc tế khi cử máy bay giám sát EP-3 bay qua vùng EEZ của Trung Quốc.
Ngày nay, chưa có bất cứ một kênh đối thoại nào được lập ra giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc đối đầu có khả năng xảy ra trong tương lai. Hơn thế nữa. kể từ sau khi vụ đụng độ năm 2001, khả năng quân sự của Bắc Kinh cũng tăng lên đáng kể.
Tuy Trung Quốc vẫn chưa có một lực lượng đủ mạnh để tiến hành các hoạt động quân sự ở phạm vi xa bờ, nhưng quốc gia này đang nhanh chóng xây dựng một lực lượng hải quân hiện đại nhằm “thị uy” các quốc gia lân cận và cả Mỹ, quốc gia có quan hệ chặt chẽ với các nước láng giềng của Trung Quốc.
Trong bối cảnh hiện thời, Biển Đông đang mắc vào một mớ “bòng bong” khi mà 6 quốc gia châu Á cùng tranh chấp về quyền đánh bắt cá và lợi ích về tài nguyên thiên nhiên trên vùng biển này. Tuy nhiên, với các căng thẳng gia tăng hiện nay, dư luận lo ngại, một cuộc xung đột quân sự có khả năng xảy ra ở khu vực này.
Trước thực tế đó, luật pháp quốc tế sẽ là “cứu cánh” phù hợp nhất trong bối cảnh đó. Ví dụ, Philippines đã lập ra một tòa án trọng tài theo quy định của UNCLOS với hy vọng giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở vùng Biển Đông. Tuy nhiên, trái với thiện chí từ Manila, chính quyền Bắc Kinh từ chối tham gia.
Về phía Mỹ, sau hai lần đưa Công ước UNCLOS ra Quốc hội song đều bị phủ quyết, đến nay quốc gia này vẫn chưa thực sự sẵn sàng đặt bút ký vào văn kiện này. Dư luân quốc tế cho hay, dù Mỹ tuân thủ nhiều điều khoản trong UNCLOS, nhưng việc trở thành một thành viên chính thức của Công ước sẽ là tín hiệu tích cực thể hiện sự tôn trọng của nước này đối với luật pháp quốc tế.
Trước khi các văn kiện pháp lý liên quan tới quy tắc đường đi hàng hải được soạn thảo và có hiệu lực, dư luận quốc tế hi vọng, hai nước sẽ có những “hành động thiện chí” để tránh một cuộc xung đột như năm 2001.
Thanh Nga (theo DL)