Cháy chung cư Grenfell Tower ở London: Vì đâu nên nỗi?

Google News

(Kiến Thức) - Cảnh sát Anh ngày 15/6 cho biết, số người thiệt mạng trong vụ cháy chung cư Grenfell Tower tại London đã tăng lên 17 người và con số dự kiến tiếp tục gia tăng.

Gần 24 giờ sau vụ cháy chung cư Grenfell Tower ở thủ đô London khiến ít nhất 17 người thiệt mạng, các nhân viên cứu hỏa vẫn đang dập lửa và tìm kiếm xác người. Hàng chục người vẫn còn bị mất tích khi tòa chung cư Grenfell Tower bốc cháy trong đêm, vào lúc mọi người vẫn còn đang yên giấc.
Chay chung cu Grenfell Tower o London: Vi dau nen noi?
Sau 24 giờ mà tòa chung cư Grenfell Tower vẫn còn bốc khói và lực lượng cứu hộ vẫn chưa được phép vào các căn hộ vì sợ đổ sập. Ảnh: Reuters
Người đứng đầu lực lượng cứu hỏa thành phố London cũng cho biết, lính cứu hỏa chưa thể lục soát toàn bộ tòa nhà để tìm các nạn nhân do kết cấu không bền vững của tòa nhà sau vụ cháy có thể nguy hiểm đến tính mạng của họ.
Vì sao đám cháy lan nhanh?
Làm thế nào mà đám cháy chung cư Grenfell Tower lây lan nhanh như vậy và tại sao cư dân ở đây lại khó thoát thân đến thế?
Ông Wayne Brown, Phó Giám đốc Cơ quan Cứu hỏa London, cho biết trong 25 năm làm việc, ông "không bao giờ nhìn thấy một đám cháy lại lan quá nhanh trong một tòa nhà có kích thước như Grenfell Tower”.
Nhiều cư dân của chung cư cao tầng Grenfell Tower nói với CNN rằng họ không nghe thấy tiếng báo cháy khi ngọn lửa bùng phát.
Chung cư cao tầng Grenfell Tower được xây dựng trong năm 1974. Vào thời điểm đó, các quy định về phòng cháy chữa cháy trong thiết kế không rõ ràng và nghiêm ngặt như hiện nay.
Các cư dân ở đây rõ ràng không hài lòng với hệ thống an toàn vì chỉ có một cầu thang đi bộ thoát hiểm duy nhất.
Mặc dù báo cáo của Nghị viện sau vụ cháy Lakanal House năm 2009 tại Camberwell (London) khiến 6 người thiệt mạng, đã đề xuất lắp đặt các hệ thống phun nước dập lửa trong các toà tháp trên khắp nước Anh, nhưng rõ ràng các biện pháp này đã không được thực hiện đầy đủ tại chung cư cao tầng Grenfell Tower.
Cư dân ở đây cũng tố rằng những cảnh báo của họ về việc thiếu các biện pháp phòng cháy chữa cháy đã không được tiếp thu và sửa chữa.
Nguy cơ hỏa hoạn của bất kỳ tòa nhà nào cũng phụ thuộc vào kết cấu của nó - nghĩa là khả năng chống lửa của vật liệu xây dựng.
Theo các báo cáo, các cấu trúc chính của Grenfell Tower chủ yếu được làm bằng bê tông cốt thép - một loại vật liệu có khả năng chịu lửa cao.
Có phải do lớp vỏ bọc bên ngoài chủ yếu bằng nhôm?
Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ lớp phủ bên ngoài được thêm vào trong đợt nâng cấp tòa chung cư Grenfell Tower tiêu tốn 8,7 triệu bảng Anh trong năm 2016.
Vật liệu được sử dụng cho lớp vỏ bọc chủ yếu là nhôm, không có khả năng chịu lửa. Hơn nữa, nhôm có tính dẫn nhiệt cao nên vỏ bọc của nó có thể nóng lên rất nhanh, không ngăn cản lửa lan truyền qua các cửa sổ và bên ngoài tòa nhà từ tầng này sang tầng khác.
Cơ quan cứu hỏa London nói vẫn còn quá sớm để suy đoán về nguyên nhân đám cháy lan nhanh với tốc độ chóng mặt.
Tuy nhiên, điều mà các nhà điều tra cần lưu ý cư dân của Grenfell Tower đã bày tỏ lo ngại về sự an toàn của tòa nhà, đặc biệt chỉ ra các nguy cơ hỏa hoạn.
Phát biểu vào chiều 14/6, Thị trưởng London Sadiq Khan nói rằng ông sẽ "yêu cầu trả lời" về việc liệu những quan ngại trước đây của người dân có bị bỏ qua.
Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã ra lệnh mở cuộc điều tra toàn diện vụ cháy tòa nhà chung cư cao tầng ở thủ đô London sáng 14/6 làm ít nhất 17 người thiệt mạng và vẫn còn nhiều người mất tích. Phát biểu ngày 15/6, Thủ tướng Theresa May nhấn mạnh người dân Anh đang chờ đợi câu trả lời về vụ cháy thảm khốc và cuộc điều tra sẽ mang tới câu trả lời mà người dân xứng đáng được nhận.
Minh Châu (Theo CNN/ABC News)