Chiến lược chống IS hiện hành khó có thể thay đổi, ngay cả khi Hội nghị chống cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo" (IS) được tổ chức ở Washington trong tuần này.
|
Hội nghị của Liên minh toàn cầu chống IS tổ chức ở thủ đô London, Vương quốc Anh. Ảnh: Die Zeit |
Khi các bộ trưởng ngoại giao của Liên minh toàn cầu chống ISIS (theo cách Washington gọi Nhà nước Hồi giáo) , một liên minh 68 quốc gia được cựu Tổng thống Obama thành lập vào năm 2014, tập trung tại Washington hôm 22/3 để thảo luận về nỗ lực chống khủng bố, cuộc họp này là một cơ hội trình bày chiến lược mà ứng viên tổng thống Donald Trump từng hứa hẹn: đánh bại hoàn toàn cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo" (IS).
Trên thực tế, trước khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” đã mất dần lãnh thổ trong một thời gian dài ở Iraq và Syria, số lượng các tay súng nước ngoài đổ vào hai nước này đã giảm đi trông thấy và phiến quân IS thất thủ ở Mosul, thậm chí cả ở “thủ đô Raqqa, là không thể tránh khỏi trong vài tháng tới.
Mặc dù diễn biến tích cực đó và sự thành lập Liên minh toàn cầu chống IS đã diễn ra rất lâu trước khi ông Trump nhậm chức, điều đáng chú ý là chính quyền Mỹ mới đã không loại bỏ thành quả này như một số chính sách trước đó của chính quyền Obama.
Cơ hội tốt để chụp ảnh
Học giả Randa Slim của Viện Trung Đông ở Washington nói: "Đây sẽ là cơ hội tốt để chụp ảnh Tổng thống (Donald Trump) , Ngoại trưởng (Tillerson) và Bộ trưởng Quốc phòng (Mattis) ở cấp độ toàn cầu…”.
Giáo sư về quan hệ quốc tế Joseph Wippl tại Đại học Boston và là cựu nhân viên CIA nói: "Những người này muốn có ảnh hưởng chính trị”. Theo ông, cách tiếp cận chống IS của chính quyền Trump không khác nhiều so với những gì được tiến hành dưới thời Tổng thống Obama.
Nhà phân tích an ninh Amanda Kadlec của Rand Coporation trao đổi qua email: "Chiến lược chống IS của chính quyền Trump tỏ ra giống với chiến lược của chính quyền Obama vốn dựa vào các Lực lượng Đặc nhiệm để tiến hành các cuộc tấn công như cuộc tấn công đã được thực hiện tại Yemen hồi tháng Một năm nay cũng như để đào tạo và phát triển sức chiến đấu của các lực lượng địa phương để chống IS .
Sao chép có biến tấu chiến lược của Obama
Bà Kadlec nhận xét: "Một số nhà quan sát đã gọi kế hoạch (chống IS) của ông Trump là một 'sự tăng cường' của kế hoạch hiện hành , không phải là một chiến lược mới". Theo bà, khác biệt chính là sự gia tăng số lượng binh sĩ Mỹ được triển khai.
Hiện tại, có khoảng 500 lính đặc nhiệm Mỹ ở Syria và theo tin tức của báo The Washington Post, Lầu năm góc đang cân nhắc đưa thêm 1.000 binh sĩ đặc nhiệm nữa ở Syria để chuẩn bị cho cuộc tấn công nhằm vào “thủ đô” Raqqa.
Nhà phân tích an ninh Amanda Kadlec cho rằng điều quan trọng hơn là số binh sĩ đặc nhiệm nhỏ nhoi này sẽ làm được gì ở Syria. Theo các cuộc thăm dò của Pew, công chúng Mỹ vẫn muốn sử dụng các lực lượng đặc nhiệm để triển khai quân đội với số lượng lớn.
Các nhà quan sát nói chung không mong đợi một sự thay đổi lớn trong chiến lược chống IS được thông báo tại cuộc họp ở Washington, nhưng xem ra sẽ có một sự thay đổi quan trọng.
Học giả Randa Slim tiết lộ: "Một điềm báo trước là sẽ có sự khác biệt trong cuộc họp này và đó là sự nhấn mạnh của chính quyền Trump về việc đẩy lùi ảnh hưởng của Iran trong khu vực".
Minh Châu (Theo DW)