Chính phủ Mỹ đóng cửa: Kinh tế kéo... khủng hoảng hiến pháp

Google News

(Kiến Thức) - Điều này có thể gây ra không chỉ khủng hoảng kinh tế, mà cả khủng hoảng hiến pháp. Trong trường hợp xấu nhất, Mỹ sẽ bị vỡ nợ, dẫn đến hệ lụy là hệ thống tài chính toàn cầu rơi vào hỗn loạn.

Buộc phải tạm ngừng hoạt động, chính phủ Mỹ chứng tỏ lâm vào tình trạng mất kiểm soát trầm trọng.
Chính phủ liên bang của Mỹ hôm qua buộc phải chính thức đóng cửa khi giới nghị sĩ Cộng hòa bác dự luật tài chính tài trợ cho các hoạt động của các cơ quan chính phủ. Hậu quả là chính phủ Mỹ không được cấp tiền và sẽ phải hoạt động theo chế độ cầm chừng với tốc độ thấp nhất.
Nguyên nhân khiến các dự luật chuẩn chi của Mỹ không được thông qua xuất phát từ bất đồng về một kế hoạch cung cấp bảo hiểm y tế cho hàng triệu người Mỹ không có bảo hiểm được gọi là Obamacare. Các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện không thích kế hoạch này và từ chối không chịu ký một dự luật chuẩn chi bao gồm Obamacare. Trong khi đó, Đảng Dân chủ tại Thượng viện cũng quyết không ký một kế hoạch dự chi không có Obamacare.
Nhà Trắng cáo buộc Đảng Trà đang thao túng sự kiện này và các cuộc thăm dò cũng cho kết quả, đa số cử tri đều có cùng quan điểm này. Cho đến khi nào các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa chưa đạt được một thỏa thuận ngân sách thì tất cả các nhân viên liên bang cơ bản phải nghỉ việc không lương.
Việc đóng cửa chính phủ Mỹ trên thực tế có thể chưa phải là thảm họa nhưng nó sẽ tác động tiêu cực mạnh mẽ tới nền kinh tế nước này. Nhiều ước tính cảnh báo, việc chính phủ ngừng hoạt động trong thời gian dài có thể lấy mất 1% GDP của Mỹ.
Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự đằng sau cuộc khủng hoảng này chính là xuất hiện các biểu hiện, trên nhiều mặt, về mức độ mất kiểm soát của chính phủ. Những khu vực bầu cử quốc hội gian lận nặng nề, cộng với quá trình phân cực xã hội ngày càng phình to kéo dài trong suốt nhiều thập kỷ qua, đã tạo ra một hệ thống bầu cử đảng phái mang lại cho Quốc hội Mỹ những thành viên không có thiện chí để hợp tác và thỏa hiệp với những thành viên khác. Hơn nữa, ngay cả khi bế tắc hiện nay được giải quyết, một đám mây đen hơn nhiều đang hiện ra ở đường chân trời: Cuối tháng này Mỹ chạm giới hạn nợ trần.
Điều này có thể gây ra không chỉ khủng hoảng kinh tế, mà còn khủng hoảng hiến pháp. Trong trường hợp xấu nhất, Mỹ sẽ bị vỡ nợ dẫn đến hệ lụy là hệ thống tài chính toàn cầu rơi vào hỗn loạn như những gì đã từng xảy ra vào năm 2008. Dường như khó mà tưởng tượng được rằng các chính trị gia đồi Capitol sẽ để mặc một thảm họa như vậy xảy ra. Tuy nhiên, không gì là không thể, nhất là khi các bên đều tỏ ra bảo thủ, cứng rắn với yêu sách của mình.
Từ bế tắc này có thể thấy, thực tế Mỹ - cũng như nhiều quốc gia khác, dù cam kết với người dân một số vấn đề nhưng cuối cùng lại không thể hiện thực hóa. Các cuộc tranh luận ủng hộ nâng trần giới hạn nợ thực tế đã được Quốc hội thảo luận nhưng vấn đề chính là nhà nước muốn chi tiêu nhiều hơn mà không tăng thuế.
Vì thế, việc chính phủ Mỹ đóng cửa có ý nghĩa nhiều hơn chỉ là một sự tê liệt về hành chính. Sự kiện này phản ánh tình trạng bất ổn lớn hơn. Mỹ đang tiến tới bờ vực khủng hoảng tâm lý - rất có thể tương tự như mô hình xã hội châu Âu với các mức thuế cao, bộ máy chính quyền nhà nước công kềnh và bất đắc dĩ phải đóng vai trò cảnh sát thế giới.
Nhiều người kỳ vọng sự kiện chính phủ Mỹ phải đóng cửa có thể là hồi chuông nhắc nhở các nhà lập pháp Mỹ nỗ lực đạt được một thỏa thuận giữa các bên để xây dựng và đảm bảo một nền tảng bền vững hơn cho hệ thống tài chính Mỹ. Song, với hỗn loạn và mất phương hướng ở Washington lúc này, sẽ là khôn ngoan để bắt đầu chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất.
Bạch Dương (Theo Telegraph)