|
Tổng thống Obama vẫn không loại trừ tấn công quân sự vào Syria.
|
Theo tạp chí Foreign Policy, mặc dù hiện nay mối đe dọa tiến công Syria của Mỹ đã giảm do sự can thiệp của Tổng thống Nga Vladimir Putin, song mục tiêu cuối cùng trong chính sách của Mỹ đối với Syria vẫn là thay đổi chế độ.
Từ lâu, chính phủ Mỹ đã và đang ủng hộ các lực lượng nổi dậy vũ trang tìm cách lật đổ chính phủ Syria. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đang phối hợp các nguồn cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy, trong đó có tên lửa chống tăng, và huấn luyện lực lượng nổi dậy tại các căn cứ trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.
Gần đây hơn, Mỹ cũng bắt đầu trực tiếp trang bị các loại vũ khí cho lực lượng nổi dậy. Việc ủng hộ các lực lượng nổi dậy ở Syria của CIA tiếp tục diễn ra bất chấp thành phần của lực lượng này bao gồm cả các nhóm Hồi giáo cực đoan như nhóm Jabhat al-Nusra thuộc nhánh và nhóm “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông”.
Các phần tử thánh chiến không những được công nhận là lực lượng tác chiến hiệu quả nhất trong số các lực lượng nổi dậy, mà tờ New York Times tháng 10/2012 còn cho biết hầu hết các loại vũ khí do CIA cung cấp cho lực lượng nổi dậy đều rơi vào tay các phần tử này.
Trong khi đó, Mỹ không muốn chính phủ Assad bị lật đổ và Syria bị phân chia thành nhiều khu vực dưới sự quản lý của các phe phái tham chiến và biến thành một căn cứ hoạt động của al-Qaeda. Ngược lại, Mỹ muốn diễn ra một tiến trình chuyển giao quyền lực có trật tự ở Syria, theo đó Tổng thống Assad phải từ chức nhưng các cơ quan chính phủ tiếp tục hoạt động.
Vì vậy, chính sách của chính quyền Obama là kéo dài cuộc xung đột và tăng cường bạo lực bằng cách ủng hộ các lực lượng nổi dậy vũ trang đủ mạnh để gây sức ép và cuối cùng buộc Tổng thống Assad phải chấp nhận từ chức mà không thực sự giúp lực lượng nổi dậy lật đổ chính quyền Syria. Chính quyền Obama đang tìm cách gia tăng áp lực lên Tổng thống Assad bằng cách đe dọa phát động một cuộc tấn công quân sự.
Viện cớ lực lượng của chính quyền Tổng thống Assad sử dụng các loại vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus ngày 21/8 vừa qua, Mỹ tuyên bố thế giới không thể tha thứ hành động giết hại dân chúng bằng khí độc và Mỹ phải sử dụng sức mạnh để duy trì “các tiêu chuẩn quốc tế” và chống lại các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.
Rõ ràng, tuyên bố nhân danh “nhân đạo” của chính quyền Obama không thuyết phục được nhiều người. Nếu chính phủ Mỹ quan tâm đến những thường dân bị thiệt mạng, thì Mỹ phải áp dụng mọi biện pháp nhằm xác định rõ bên nào đã sử dụng vũ khí hóa học và thậm chí khi có đầy đủ bằng chứng cho thấy chế độ Assad đã hành động như vậy, Mỹ cũng không được duy trì các tiêu chuẩn quốc tế bằng cách phát động cuộc tấn công quân sự xâm lược Syria vì đây là một “tội ác” theo Công ước Nuremberg.
Thực tế, chính quyền Obama dường như đã tính toán sai khả năng của Mỹ trong việc tổ chức một liên minh gồm nhiều quốc gia sẵn sàng ủng hộ Mỹ phát động một cuộc tấn công quân sự chống Syria. Chính Anh, một đồng minh thường xuyên ủng hộ hành động quân sự của Mỹ, quyết định không ủng hộ hành động phạm tội bằng một cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội và thậm chí Tổng thống Obama đã cố gắng thuyết phục Quốc hội Mỹ ủng hộ cuộc tấn công quân sự chống Syria nhưng đa số các thành viên Quốc hội vẫn do dự.
Không được dư luận trong nước ủng hộ một cuộc tấn công Syria, cùng với mối đe dọa có thể vi phạm hoặc thậm chí bị quốc tế truy tố tội ác chiến tranh…tất cả điều đó đã ngăn cản Tổng thống Obama tiến hành một cuộc chiến tranh đơn phương chống Syria.
Trong khi chính phủ Syria lần đầu tiên thừa nhận sở hữu các loại vũ khí hóa học và đồng ý khai báo tất cả các kho vũ khí để tiêu hủy, Mỹ tiếp tục ủng hộ các lực lượng nổi dậy ở Syria.
Đến nay, chính sách của Mỹ dường như khó có thể ép buộc ông Assad đồng ý từ chức trong quá trình chuyển giao quyền lực. Nhưng rõ ràng, chính sách này đang giảm thiểu các cơ hội cho một giải pháp ngoại giao và kéo dài tình trạng bạo lực và dẫn tới bất ổn ở cả các nước láng giềng của Syria.
Theo Vietnam+