Chính trường Ukraine ngày càng bất ổn

Google News

Chính trường Ukraine ngày càng bất ổn khi cuộc khủng hoảng chính trị vẫn đang tiếp tục diễn ra tại quốc gia này.

“Báo Độc lập” (Nga) số ra ngày 18/2 cho biết khủng hoảng chính trị vẫn đang tiếp tục diễn ra tại Ukraine. Liên minh cầm quyền trong Quốc hội đang tan rã, nhiều khả năng sẽ phải dẫn tới một cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Hiện đang tồn tại những lời buộc tội lớn nhằm vào Tổng thống Petro Poroshenko, người bị cáo buộc cấu kết với những kẻ tài phiệt thao túng chính trường.
Ngày 16/2, Chính quyền của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đã chính thức báo cáo trước Quốc hội hiệu quả điều hành kể từ thời điểm tháng 12/2014. Bài phát biểu của Thủ tướng và các đại biểu kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ, lãnh đạo các phòng Ban và các đảng phái liên tục chỉ trích hoạt động của Chính phủ. Cùng lúc đó, các kênh truyền hình Ukraine cũng phát sóng thông điệp của Tổng thống tới người dân, kêu gọi Thủ tướng Yatsenyuk và Viện trưởng Viện kiểm sát Viktor Shokin tự nguyện từ chức. Tổng thống giải thích những quan chức này đã không thể điều hành hoạt động của Chính phủ để nhận được sự tín nhiệm của nhân dân: “Chất lượng cuộc sống đang suy giảm, và tỷ lệ thuận với sự suy giảm niềm tin của người dân vào chính quyền".
Chinh truong Ukraine ngay cang bat on
Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm 16/2 nhưng uy tín chính phủ của ông xuống rất thấp.
Theo các cuộc thăm dò, hơn 70% cử tri ủng hộ việc Nội các từ chức. Thủ tướng Yatsenyuk báo cáo tại Quốc hội rằng trên các phương tiện truyền thông đang xuất hiện thông tin về việc Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao đệ đơn từ chức. Thủ tướng không theo gương ông này. Ông ta theo trò chơi này đến cùng khi đệ trình một danh sách những kế hoạch cải cách do Chính phủ soạn thảo và phàn nàn vì không có sự hỗ trợ đầy đủ trong Quốc hội. Sau màn giải thích khá dài để Quốc hội xem xét, một số báo cáo đánh giá về hoạt động của Chính phủ đã được đưa ra. Có 247 nghị sĩ (mức cần thiết tối thiểu chỉ là 226) cho rằng hoạt động của Chính phủ là không đạt yêu cầu. Chính vì vậy một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm Nội các được tiến hành. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu đã không đủ số lượng cần thiết để buộc Chính phủ phải từ chức do một số đại biểu đã rời phòng họp trước đó.
Ngày 17/2, sự phẫn nộ đã dấy lên trên các phương tiện truyền thông Ukraine về việc không chỉ có Yatsenyuk mà cả ông Shokin vẫn giữ được ghế của mình.
Sáng 18/2, đảng “Tổ quốc” và “Tự lực” đã không đến họp. Có 19 nghị sĩ thuộc đảng của bà Timoshenko thông báo với báo chí rằng đảng này quyết định rời khỏi liên minh cầm quyền. Bà Timoshenko lưu ý rằng 2 năm sau sự kiện Maidan, chính quyền đã không từ bỏ hệ thống cũ tồn tại từ năm 2013 vốn đã dẫn tới cuộc nổi dậy chống chế độ Viktor Yanukovich.
Sự rời bỏ khỏi liên minh của đảng “Tổ quốc” không làm tan vỡ liên minh bởi liên minh vẫn còn phần lớn nghị sĩ (243/245). Nhưng việc đảng “Tự lực” rút đã khiến liên minh không còn tồn tại. Sự tan vỡ của liên minh đồng nghĩa với việc sẽ hình thành một liên minh mới hoặc phải tiến hành bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Phương án đầu tiên rất có thể xảy ra nếu các phe phái thân Tổng thống và Thủ tướng thành lập liên minh với các lực lượng chính trị được hình thành trên cơ sở đảng cũ của ông Yanukovich. Phương án thứ hai phụ thuộc vào ông Poroshenko. Theo Hiến pháp Ukraine, nếu trong vòng 30 ngày, Quốc hội không thể hình thành liên minh cầm quyền thì nguyên thủ quốc gia có quyền giải tán Quốc hội. Tổng thống Ukraine cho tới nay vẫn đang cố gắng né tránh một kịch bản như vậy do lo sợ kết quả của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử tiếp theo sẽ rất khiêm tốn.
Các chuyên gia ở Kiev nói rằng tình hình hiện nay là do một số người xung quanh Poroshenko và Yatsenyuk có quan hệ với các nhà tài phiệt đầu sỏ chính trị và họ đang thao túng các quá trình chính trị để đảm bảo các lợi ích của mình. Một số đại biểu cho rằng các nhà tài phiệt này không muốn thay đổi Quốc hội hay Chính phủ bởi họ đã bố trí người của mình vào các cơ quan chính quyền và xây dựng một hệ thống điều khiển đất nước sau hậu trường.
Theo Báo Tin Tức