Chống dịch quyết liệt, vì sao Singapore vẫn gặp cú sốc 1.000 ca nhiễm?

Google News

Dù đã dùng nhiều biện pháp cứng rắn để kiềm chế dịch bệnh, số ca nhiễm ở Singapore vẫn tăng mạnh do làn sóng người trở về từ nước ngoài và tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng.

Đầu tháng 3, Singapore chỉ có hơn 100 ca nhiễm. Đảo quốc Đông Nam Á được khắp thế giới nhìn nhận như một hình mẫu trong cuộc chiến chống COVID-19 khi sớm khống chế được dịch bệnh nhờ triển khai sớm các biện pháp hạn chế đi lại, cách ly, theo dõi nghiêm ngặt cũng như xét nghiệm trên diện rộng.
Tính đến 25/3, Singapore đã tiến hành 6.800 xét nghiệm/1 triệu người, nhiều hơn cả Hàn Quốc và Đài Loan với các con số lần lượt là 6.500 và 1.000 xét nghiệm/1 triệu người. Trường học và ngay cả trung tâm thương mại trên quốc đảo sư tử vẫn mở cửa, nhịp sống vẫn diễn ra bình thường, theo South China Morning Post.
Tuy nhiên, tất cả thay đổi chóng mặt chỉ trong 1 tháng. Ngày 1/4, Singapore vượt mốc 1.000 ca nhiễm, bức tranh không còn "màu hồng". Số ca nhiễm tăng kỷ lục trong ngày 1/4 (74 ca) và 2/4 (49 ca), theo Straits Times.
Chong dich quyet liet, vi sao Singapore van gap cu soc 1.000 ca nhiem?
Làn sóng người trở về từ nước ngoài là một trong những nguyên nhân dẫn đến đợt bùng phát dịch bệnh mới ở Singapore. Ảnh: Reuters. 
"Làn sóng thứ hai"
Theo các chuyên gia, số lượng ca nhiễm tăng vọng tại Singapore cho thấy một làn sóng lây nhiễm thứ hai ở đất nước 5,7 triệu dân.
Làn sóng thứ nhất bắt nguồn từ du khách từ Trung Quốc đại lục sang, những ca nhiễm đầu tiên xuất hiện trước khi chính quyền Singapore kịp thực hiện bất kỳ hạn chế du lịch nào.
Khi số người mắc bệnh tăng lên, Singapore đã triển khai các biện pháp hạn chế du lịch nghiêm ngặt, đầu tiên nhắm vào các du khách nước ngoài đến từ Trung Quốc; sau đó là Hàn Quốc, Italy và Iran; cuối cùng là cấm tất cả du khách nước ngoài.
Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm thứ hai phần lớn liên quan đến người Singapore trở về từ các nước như Mỹ và Anh, nơi dịch bệnh đang lan rộng. Đáng lo ngại hơn là đợt bùng phát mới có nhiều ca lây nhiễm tại địa phương và một số ca không xác định được nguồn lây nhiễm.
Đối phó với làn sóng thứ hai, chính quyền Singapore đã thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt hơn, cấm nhập cảnh đối với tất cả du khách từ ngày 23/3, ngày 27/3 đóng cửa các quán bar và tụ điểm vui chơi về đêm, hạn chế tụ tập từ 10 người và áp dụng các hình phạt cho những cá nhân và nhà hàng không đảm bảo khoảng cách 1 m giữa các khách hàng.
Chính phủ kêu gọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
Chong dich quyet liet, vi sao Singapore van gap cu soc 1.000 ca nhiem?-Hinh-2
 Chính phủ Singapore khuyến cáo người dân thực hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà để kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: AFP.
Tuần này, Bộ trưởng Phát triển quốc gia Lawrence Wong đồng thời là người đứng đầu nhóm công tác đặc biệt chống Covid-19 của Singapore, cho hay khoảng thời gian hai tuần tới sẽ "quyết định" xem các biện pháp trên có hiệu quả không.
Ông Wong nói rằng chính phủ cần làm cho "tất cả người dân Singapore hiểu rằng lúc này mỗi người đều đang ở tiền tuyến trong mặt trận chống dịch".
"Tất cả chúng ta chắc chắn không thể thờ ơ trước làn sóng thứ hai này", Phó giáo sư Jeremy Lim từ chương trình y tế toàn cầu tại Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock bày tỏ quan ngại.
Người dân chưa đủ "quyết liệt"
Reuters dẫn ý kiến của Michael Osterholm, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, Mỹ, cho rằng cho đến nay, cách tiếp cận của Singapore là một trong những phương thức hiệu quả nhất để đối phó với virus corona.
Dù vậy, vấn đề mà các chuyên gia quan tâm là tại sao "chiến lược ngăn chặn" của Singapore vẫn chưa thể chặn đứng hoàn toàn dịch bệnh.
Kitty Lee, người phụ trách mảng khoa học đời sống và sức khỏe ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty tư vấn Oliver Wyman, cho hay tình hình ở Singapore hiện nay "khá đáng ngại". Bà nói người dân vẫn chưa thực hiện triệt để giãn cách xã hội, chỉ có 40% nhân viên tại khu trung tâm làm việc tại nhà. Chính phủ Singapore đã phải cảnh báo sẽ phạt những người không thực hiện làm việc từ xa dù có thể.
Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam, người dân Singapore cần "quyết liệt" hơn nữa trong thực hiện giãn cách xã hội. "Như hiện nay là chưa đủ để chấm dứt dịch bệnh. Dịch bệnh đang tiếp tục hoành hành bởi sự thiếu ý thức của người dân", ông Leong nói.
Giáo sư Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Sức khỏe cộng đồng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói với Straits Times rằng nếu người Singapore không "làm theo những hướng dẫn đơn giản thì dù chính phủ có áp đặt biện pháp gì đi nữa cũng chẳng thể ngăn dịch bùng phát".
Biện pháp giãn cách xã hội đang được tăng cường chú trọng trong bối cảnh có nghiên cứu mới chỉ ra rằng Covid-19 có thể lây nhiễm ngay cả trước khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng.
Trong một hội thảo trực tuyến của báo Tài Tân (Caixin Global) hôm 26/4, ông Vernon Lee, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Singapore, cho biết tỷ lệ lây nhiễm ở Singapore là dưới 1, có nghĩa là 1 người mắc lây cho ít hơn một người khác. Tỉ lệ này tại Vũ Hán, Trung Quốc là 2,35 trước khi thành phố này bị phong tỏa.
Chong dich quyet liet, vi sao Singapore van gap cu soc 1.000 ca nhiem?-Hinh-3
Tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng mới xuất hiện khiến chính phủ Singapore kêu gọi người dân thực hiện nghiêm ngặt hơn giãn cách xã hội. Ảnh: Nikkei Asian Review. 
Tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng mới xuất hiện cũng khiến chính phủ Singapore phải thay đổi lập trường đối với việc đeo khẩu trang đại trà, không còn khuyến cáo người dân không cần phải đeo khẩu trang nếu khỏe mạnh như trước đây.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam nhận định Singapore hiện đối mặt với 2 thách thức là không đủ khẩu trang cho toàn bộ dân số và giãn cách xã hội cần thực hiện nghiêm ngặt hơn nữa.
Ông Leong lo ngại nếu không hành động mạnh mẽ thì hệ thống chăm sóc sức khỏe của Singapore có thể sẽ quá tải bởi sự lây nhiễm theo cấp số nhân.
Công ty thiết bị game Razer ở Singapore mới đây thông báo sẽ bắt đầu sản xuất khẩu trang trong vòng 30 ngày, một tín hiệu đáng mừng. Trong khi đó, nhiều chuyên gia hy vọng lập trường cứng rắn của chính phủ về làm việc từ xa sẽ phát huy hiệu quả.
Theo Phó giáo sư Jeremy Lim, nếu các biện pháp hiện nay vẫn không thể dứt điểm dịch bệnh thì có lẽ chỉ còn 3 điều nữa mà chính phủ Singapore có thể làm: đó là đóng cửa trường học, dừng các phương tiện giao thông công cộng, và ra lệnh cho tất cả các địa điểm ăn uống, trung tâm thương mại đóng cửa.
Đến ngày 3/4, Thủ tướng Lý Hiển Long đã thông báo phần lớn nơi làm việc sẽ phải đóng cửa từ ngày 7/4, trong khi tất cả trường học chuyển sang chế độ học online từ xa từ ngày 8/4.
Những nơi làm việc được mở cửa là nơi cung cấp các dịch vụ thiết yếu như cửa hàng thực phẩm, siêu thị, phòng khám, bệnh viện, dịch vụ giao thông và ngân hàng. Nhà trẻ sẽ đóng cửa, nhưng vẫn sẽ giữ trẻ là con của những người vẫn phải đi làm.
Theo Trương San/Zing.vn