|
Cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 3/9 giữa Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội Mỹ.
|
Cuộc họp ở Nhà Trắng
Sáng 3/9 (giờ địa phương) tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã họp với 16 thành viên cao cấp của Quốc hội từ cả hai đảng để tìm kiếm sự ủng hộ. Ông Obama muốn được quốc hội chuẩn thuận trước khi phát động một cuộc tấn công quân sự nhắm vào Syria.
Bước vào phiên họp, Obama nói ông đang yêu cầu Quốc hội phê chuẩn một phản ứng quân sự "tương xứng và hạn chế", qua đó gửi đi một "thông điệp rõ ràng" tới chế độ Assad và bất kỳ nước nào muốn "thách thức những quy phạm quốc tế”. Ông nói Mỹ có một "chiến lược rộng lớn hơn", trong đó có việc nâng cấp “sức mạnh” của phe đối lập Syria.
Theo VOA, Các nhà lập pháp hàng đầu của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa nói rằng họ sẽ ủng hộ hành động can thiệp quân sự Tổng thống Barack Obama ở Syria.
Chủ tịch Hạ viện John Boehner (Cộng hòa) và lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi đã phát biểu như vậy sau một cuộc họp tại Nhà Trắng với Tổng thống Obama.
Ông Boehner, lãnh đạo khối nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện nói rằng Mỹ có khả năng ngăn chặn Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phải gửi đi một cảnh báo cho những nước khác rằng việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ không được dung thứ.
Thường xuyên xung đột với Tổng thống Obama về các vấn đề đối nội, Chủ tịch Hạ viện Boehmer đã kêu gọi đồng nghiệp ủng hộ tổng thống và nói: "Kẻ thù của chúng ta khắp thế giới cần phải hiểu rằng chúng ta sẽ không dung thứ loại hành vi này,"
Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo khối nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện, cho biết việc Syria sử dụng vũ khí hóa học vượt ra ngoài "những hành vi văn minh” và phải bị trừng phạt.
Cuộc họp nói trên bắt đầu một ngày vận động quốc hội ráo tiết của chính quyền Obama, trong đó có một cuộc điều trần của Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Các giới chức Nhà Trắng cũng tổ chức họp kín với các nhà lập pháp. Quốc hội Mỹ có thể biểu quyết về hành động quân sự ngay khi tất cả thành viên trở về sau kỳ nghỉ phép vào tuần tới.
Dù nhận được sự hậu thuẫn của Chủ tịch Hạ viện Boehner, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nhiều người Mỹ vẫn hoài nghi sự cần thiết về vai trò của nước họ ở Syria.
Vận động sự ủng hộ của nước ngoài
Tổng thống Obama không chỉ tìm kiếm sự ủng hộ ở trong nước, mà còn mang vấn đề “trừng phạt” Syria ra thảo luận trong vài ngày tới tại Châu Âu. Tối Thứ Ba (3/9) ông đã lên đường sang Thụy Điển và sau đó sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày Thứ Năm (5/9) và Thứ Sáu (6/9) tại St. Petersburg, Liên bang Nga.
Dự kiến Thủ tướng Anh David Cameron cũng sẽ kêu gọi Nga, đồng minh hàng đầu của Syria, làm việc với các nước phương Tây để hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Syria. Nga trước đây đã ngăn chặn những nỗ lực của Liên Hợp Quốc tìm cách áp đặt lệnh trừng phạt đối với chính phủ ông Assad.
Tuần trước, Nghị viện Anh đã bác bỏ đề xuất của ông Cameron kêu gọi để Anh tham gia vào một phản ứng quân sự đáp lại cuộc tấn công bị nghi là vũ khí hóa học xảy ra vào ngày 21/8.
Hôm 3/9, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi châu Âu đưa ra một phản ứng thống nhất đối với Syria. Tuy nhiên, ông nói Pháp sẽ chờ cho tới khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu về kế hoạch của Tổng thống Obama trước khi thực hiện bất cứ hành động quân sự nào.
Liên Hợp Quốc sắp báo cáo về Syria
Tại Liên Hợp Quốc ngày 5/9, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên lịch về một cuộc họp báo cáo với các thành viên Hội đồng Bảo an về những diễn biến mới nhất tại Syria.
Ông Ban đã gặp trưởng nhóm thanh sát của Liên Hợp Quốc ở Syria hồi tuần trước thu thập mẫu vật trong cuộc tấn công hóa học hồi tháng trước nhắm vào thường dân gần Damascus. Vụ tấn công giết chết ít nhất 1400 người. Mỹ và Pháp nói bằng chứng cho thấy quân đội Syria phát động cuộc tấn công.
Ông Assad phủ nhận quân đội chịu trách nhiệm về việc sử dụng vũ khí hóa học, nói rằng Mỹ và Pháp không có bằng chứng nào hậu thuẫn cho cáo buộc của họ. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Pháp Le Figaro, ông Assad cảnh báo rằng một cuộc tấn công quân sự của những nước nói trên có thể châm ngòi chiến tranh trong khu vực.
Nga, một đồng minh lâu năm của Syria, cũng nêu nghi vấn về độ tin cậy của bằng chứng Mỹ nói rằng chính phủ Assad đã sử dụng vũ khí hóa học chống dân thường.
Văn Bình