Tìm kiếm sự thật, tên một bộ phim tài liệu do đài truyền hình CORRECT!V sản xuất, đã đưa ra những lời nhận định của các chuyên gia quân sự, lời khai của những chiến binh ly khai và cả các lời thuật lại của người dân vùng miền đông Ukraine.
|
Hiện trường vụ rơi máy bay MH17.
|
Đồng thời đài trên cũng công khai các bức ảnh, video và hình ảnh vệ tinh để tái dựng lại các sự kiện tới nay vẫn chưa được hé mở trong ngày định mệnh 17/7 năm ngoái, thời điểm máy bay hãng hàng không Malaysia Airlines nổ tung trên bầu trời miền đông Ukraine.
Phát hiện trên của họ được tìm ra chỉ một ngày sau khi các trang báo lan truyền bức ảnh về người phi công Ukraine bị cáo buộc bắn hạ máy bay Malaysia trên.
Cụ thể, nhóm chuyên gia Đức kết luận, máy bay Boeing 777 đó đã bị bắn hạ bởi một quả tên lửa đất đối không Buk do Lữ đoàn phòng không số 53 Nga phóng.
Nói với đài truyền hình Đức trên, các chuyên gia quân sự cho hay, chỉ những quân nhân được đào tạo đặc biệt mới có thể vận hành tên lửa Buk để nó bắn trúng mục tiêu chỉ trong thời gian ngắn như vậy.
Cùng với đó, các phòng viên đi tháp tùng cùng đoàn điều tra Đức đã tới vùng thị trấn Snizhne do ly khai chiếm đóng ở miền đông Ukraine để thu thập các lời kể của người dân nơi đây. Đặc biệt, nhiều người dân đã kể rằng, họ đã trông thấy và nghe thấy âm thanh của tên lửa Buk vào ngày máy bay số hiệu MH17 bị bắn rơi. Một nhân chứng thuật lại rằng, anh ta đã trông thấy xe tải chở tên lửa và cả vụ phóng tên lửa sau đó.
Cùng với đó, đài truyền hình Đức cũng phỏng vấn cựu quan chức Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và giờ trở thành chỉ huy phe ly khai, ông Aleksandr Khodakovskiy. Trước đó, ông ta nói với Reuters rằng, đơn vị của ông đã sở hữu một tên lửa Buk, nhưng sau đó rút lại tuyên bố đó của mình. Ông nói rằng, phe ly khai không sở hữu những hệ thống tên lửa vũ khí hiện đại như Buk và họ cũng không có ai hội đủ điều kiện để phóng tên lửa dạng này.
|
Hình ảnh xe tải quân sự nghi chở tên lửa Buk rò rỉ trên mạng.
|
Ngoài lời khai nhận của các nhân chứng, nhiều phát hiện trong báo cáo trên được lấy ra từ các thông tin xuất hiện trên Internet, bao gồm các bằng chứng lấy lại từ các nhà điều tra chuyên sử dụng mã nguồn mở để phân tích. Theo đó, các điều tra viên này đều thuộc nhóm Bellingcat.
Nhóm trên đã dành nhiều tháng trời để thu thập và phân tích bằng chứng liên quan tới các dòng chuyển động của binh sĩ Nga ở Ukraine.
Họ đã định vị vị trí các bức hình chụp bệ phóng tên lửa Buk trong hành trình di chuyển từ Snizhne về Nga ngay khi MH17 bị bắn rơi. Từ đây, họ có thể xác định rằng, xe vận tải chở tên lửa Buk thuộc Lữ đoàn Phòng không số 53 của Nga, đóng quân ở Kursh.
Nguồn tin tức thế giới
Thanh Nga (theo DL)