Berlin: “thánh địa” của các điệp viên quốc tế
Từng là tâm điểm của các hoạt động tình báo trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thủ đô Berlin hiện vẫn là “thánh địa” của các điệp viên quốc tế. Cầu Glienecke, từng có biệt danh là “chiếc cầu gián điệp”, là nơi Liên Xô và Mỹ trao đổi các sĩ quan tình báo mà hai bên bắt giữ của nhau . Đến nỗi, Berlin vẫn còn trở thành nguồn cảm hứng cho các tác giả chuyên khai thác đề tài tình báo thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Khi Bức tường Berlin sụp đổ và sau đó Liên Xô tan rã. Người Đức hi vọng, Berlin sẽ thoát khỏi “danh tiếng” là thành phố gián điệp và chuyển mình thành một trung tâm đô thị. Người Đức đã thành công vài biến Berlin thành đô thị sôi động bậc nhất Tây Âu. Tuy vậy, nước Đức và đặc biệt là Berlin chưa bao giờ mất đi sức hút đối với các đặc vụ tình báo Nga. Với lý do đó, người Mỹ không ngừng “để mắt” tới thành phố này.
|
Mối quan hệ Mỹ - Đức rung chuyển vì Thủ tướng Đức Angela Merkel bị Cơ quan an ninh Mỹ (NSA) nghe trộm điện thoại. |
Những thông tin do cựu điệp viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden cho thấy, cơ quan tình báo Mỹ đã nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ngay sau đó là căng thẳng ngày càng cao giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine, đẩy Berlin quay trở lại thành “đấu trường” gián điệp toàn cầu.
Tin tức mới nhất làm chấn động mối quan hệ Mỹ - Đức là các cáo buộc CIA đã trả tiền cho một nhân viên của cơ quan tình báo Đức (BND) để lấy các tài liệu liên quan tới cuộc điều tra của Quốc hội Đức về lời khai của Snowden. Theo tờ Daily Beast, đây chỉ là một nhân viên tình báo cấp thấp và những thông tin mà ông này chuyển cho Mỹ không có giá trị gì đặc biệt.
Vụ việc trên rõ ràng khiến người Đức không khỏi kiềm chế cơn giận dữ vốn đã được thổi bùng sau vụ nghe lén của NSA.
“Nếu các cáo buộc trên là sự thật, sẽ là không phải nếu tôi tính tới chuyện xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy với các cơ quan tình báo và các đối tác”, bà Merkel nói mặc dù bà luôn tìm cách hạ thấp những hậu quả của vụ bê bối Snowden. Cũng giống như vụ NSA hồi năm ngoái, sau bê bối BND, Đại sứ Mỹ tại Đức John Emerson lại bị Bộ Ngoại giao Đức triệu tập để phản đối.
Thậm chí Bộ Tư pháp Đức còn cân nhắc tới khả năng tiến hành “khởi tố hình sự” đối với nước Mỹ. Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, 69% số người Đức tham gia cho rằng, sau những vụ việc diễn ra năm qua, họ đã mất niềm tin vào nước Mỹ.
Tháng trước, chính quyền Đức đã hủy một hợp đồng ký kết với công ty Verizon sau khi có cáo buộc rằng công ty này đã cung cấp các bản ghi âm cuộc gọi cho NSA.
Theo tác giả James Kirchick trên tờ Daily Beast, đáng lẽ Đức phải nổi giận với Nga vì đã sát nhập bán đảo Crimea – hành động sát nhập lãnh thổ đầu tiên ở châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới 2. Tuy nhiên, sự im lặng của Đức trước hành động này của Nga cộng với phản ứng của chính quyền Merkel trước hoạt động gián điệp của Mỹ khiến Washington có lý do để tiếp tục các hoạt động gián điệp trên đất Đức. Với Washington, Berlin không còn là đồng minh đáng tin cậy nữa.
Mỹ gài gián điệp vì không còn tin cậy Đức?
Thủ tướng Đức Merkel, người từng lớn lên ở Đông Đức và có thể nói tiếng Nga trôi chảy, hiểu rằng việc Nga sát nhập Crimea là tiền lệ nguy hiểm. Bà đã công khai khẳng định, đây là hành động quay trở về thời kỳ “luật rừng”. Mặc dù hiểu rõ mối đe dọa từ nước Nga, bà Merkel vẫn là một nhà lãnh đạo mang tư tưởng bảo thủ và hiếm khi hành động trái ý các cử tri Đức. Theo ông Kirchick, khi mà đa số người dân Đức tỏ ra
thông cảm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cho rằng phương Tây nên “chấp nhận” việc Nga sát nhập Crimea. Vì lẽ đó, nước Mỹ có lý do để lo ngại.
Nhiều công ty Đức kinh doanh ở Nga đã phản đối mạnh mẽ các lệnh cấm vận đối với Moscow. 1/3 tổng lượng dầu nhập khẩu của Đức có xuất xứ từ Nga. Thêm vào đó, Nga là thị trường xuất khẩu lớn thứ 11 của Đức.
|
Nghị sĩ Đức Christian Stroebele cầm bức thư cựu điệp viên NSA Edward Snowden gửi báo giới trước cuộc họp báo ở Berlin ngày 1/11/2013.
|
Về góc độ chính trị, nước Nga có thể dựa vào sự ủng hộ của
nhiều chính trị gia Đức. Năm ngoái, chính trị gia Christian Stroebele của Đảng Xanh đã tới Moscow thăm Snowden. Rõ ràng, chuyến thăm đó không thể diễn ra nếu không có sự cho phép của ông Putin. Sau khi không thể thuyết phục chính phủ Đức trao quyền tị nạn cho Snowden, ông Stroebele lại đạt được mục tiêu khác: một cuộc điều tra của Quốc hội Đức về các hoạt động gián điệp của Mỹ.
Hồi tháng 3, theo yêu cầu của Moscow, một số nghị sĩ Đức cùng với các chính trị gia cánh hữu ở châu Âu đã tới Crimea. Phái đoàn này có nhiệm vụ giám sát cuộc trưng cầu dân ý về việc sát nhập Crimea với Nga. Vài tuần sau khi rời nhiệm sở vào năm 2005, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder trở thành thành viên hội đồng quản trị của một công ty năng lượng Nhà nước của Nga.
Hồi tháng 4, ông Schroeder tổ chức lễ kỉ niệm sinh nhật thứ 70 tại thành phố St. Petersburg với sự có mặt của một số doanh nhân và chính trị gia Đức. Tại sự kiện này, cựu thủ tướng Đức đã nhận được cái ôm nồng nhiệt từ Tổng thống Putin.
Theo tác giả James Kirchick, bản thân Đức cũng tiến hành các hoạt động gián điệp đối với các nước khác. Ira Winkler, cựu chuyên gia phân tích tình báo và hệ thống máy tính của NSA cho hay, BND đã xâm nhập vào mạng lưới chuyển tiền SWIFT để lấy thông tin cung cấp cho các doanh nghiệp Đức.
Cũng theo chuyên gia này, các doanh nghiệp Đức sẵn sàng chuyển thông tin và công nghệ nhạy cảm cho các quốc gia là kẻ thù của Mỹ, trong đó có Iran. Hiện Đức vẫn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Iran. Ngoài ra, trong lúc hợp tác với các cơ quan tình báo Mỹ, BND cũng trở thành “tai mắt” của các doanh nghiệp Đức.
Tùng Lâm