CIA dự báo tương lai thế giới đến năm 2035

Google News

(Kiến Thức) - Cứ bốn năm một lần, Hội đồng tình báo quốc gia - một bộ phận của CIA - lại đưa ra những dự báo về tương lai thế giới.

Nhật báo Pháp Le Figaro trích đăng một phần dự báo tương lai thế giới đến năm 2035 đã được CIA công bố nói trên.
CIA du bao tuong lai the gioi den nam 2035
CIA dự báo về tương lai thế giới. Ảnh minh họa: The Huffington Post 
Theo nghiên cứu của CIA, nhân loại đang sống trong một thế giới đầy biến động. Trước hết thế giới sẽ có nhưng thay đổi mạnh mẽ về dân số. Đến năm 2035, dân số trên địa cầu sẽ tăng từ 7,5 tỷ người lên 8,8 tỷ. Sự gia tăng dân số chủ yếu diễn ra tại Châu Á và Châu Phi. Dự kiến sẽ có khoảng 40 thành phố lớn có số dân trên 10 triệu người vào năm 2035, thay vì 28 thành phố như hiện nay. Tuy nhiên những nước nào quản lý tốt giáo dục và lao động sẽ được hưởng lợi từ việc bùng nổ dân số này.
Trong những thập kỷ tới, kinh tế thế giới sẽ giảm tốc. Xu hướng chững lại đó sẽ kéo dài trong những nền kinh tế phát triển sẽ làm tăng bất bình đẳng và nợ công. Cho dù tầng lớp dân chúng cực nghèo nhìn chung sẽ giảm, nhưng công ăn việc làm sẽ vẫn khan hiếm bởi sự phát triển của công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo. Tình trạng này có thể sẽ dẫn tới áp lực gia tăng đối với tầng lớp trung lưu ở phương Tây, với thu nhập chững lại và sức mua tiếp tục giảm.
Một thế giới hòa nhập hơn nhưng cũng phân hóa hơn
Sự phát triển viễn thông, giao thông vận tải và Internet trong vòng hai chục năm qua đã tạo điều kiện cho một thế giới hòa nhập với nhau hơn bao giờ hết.
Ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa giờ đây có thể cảm nhận được trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, sức khỏe, tư tưởng và chính trị . Một loại virus mới xuất hiện tại Trung Phi, chỉ vài tuần sau đã có thế lan sang tận Bắc Mỹ hay Châu Âu. Một cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra ở Châu Á ngay lập tức có thể gây tác động tới thị trường Mỹ. Một cuộc cách mạng ở một nước có thể kéo theo dư chấn hay phản ứng dây chuyền sang nhiều nước xung quanh. Các luồng tư tưởng có thể lan truyền với tốc độ chưa từng có, nhu cầu hợp tác quốc tế lớn hơn bao giờ hết. Nhưng sự hội nhập đó cũng kéo theo sự phát triển của các phong trào tôn giáo tách biệt các cộng đồng. Nghịch lý của sự tiến bộ đó trong những thập kỷ tới sẽ tạo điều kiện cho hiện tượng các cộng đồng xã hội tự thu mình và sự phát triển của các phong trào chính trị chống đối hợp tác quốc tế.
Về quan hệ quốc tế, theo nghiên cứu của CIA, hệ thống quan hệ hệ quốc tế được sắp đặt sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và do Mỹ thống lĩnh, sẽ tiếp tục tiến triển theo hướng một thế giới đa cực, trong đó các cường quốc sẽ có xu hướng tạo lập ra các vùng ảnh hưởng cạnh tranh với nhau…. Các cường quốc muốn xem xét lại trật tự cũ như Trung Quốc và Nga, sẽ có thể lao vào cuộc chạy đua vũ trang và dẫn tới những cuộc khủng hoảng mới.
Sức ép về tài nguyên
Tài liệu nghiên cứu của CIA dự báo, trên hành tinh ngày càng đông dân thì vấn đề khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên là những vấn đề thường xuyên.
Ô nhiễm không khí sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong. Đất đai thoái hóa và khan hiếm nước sẽ ngày càng trầm trọng. Biến đổi khí hậu nóng lên làm tan băng ở Bắc Cực và Nam Cực do tình trạng làm nước biển dâng cao sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai gần, đặc biệt đối với những khu dân cư ven biển. Các biện pháp nhằm ngăn chặn hiện tượng này chỉ có thể có được nhờ các quốc gia hợp tác với nhau. Trong khi đó cuộc cạnh tranh tìm kiếm tài nguyên đang khan hiếm dần lại khiện việc hợp tác trở nên khó khăn.
Gia tăng các cuộc xung đột kiểu mới
Xu hướng xung đột vũ trang có nguy cơ bị đảo lộn. Các cuộc nội chiến và can thiệp từ nước ngoài trong những thập kỷ tới sẽ còn gia tăng mạnh. Trên phương diện nội bộ, các phong trào xã hội và sắc tộc có thể giành chính quyền ở nhiều nước. Về phương diện đối ngoại sẽ có sự phân rã các liên minh, các cường quốc cạnh tranh nhau mạnh mẽ hơn, đe dọa khủng bố và bất ổn trở nên thường trực với những nhà nước yếu kém. Giới hạn giữa chiến tranh và hòa bình có xu hướng không rõ ràng khiến cho việc giải quyết các cuộc xung đột khó khăn hơn. Chiến tranh mạng và tự động hóa vũ khí sẽ phát triển mạnh, nhưng việc phổ biến hạt nhân có thể quay trở lại, đồng thời nguy cơ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể rơi vào tay các tổ chức khủng bố sẽ gia tăng.
Minh Châu (BT)