“Cơn địa chấn” Triều Tiên rúng động Đông Bắc Á

Google News

Cuộc thanh trừng hiện nay ở Triều Tiên đang làm chấn động cả Đông Bắc Á và khiến cho các nước láng giềng cảm thấy vô cùng bất an.

Theo tạp chí The Diplomat, vụ xử bắn “nhân vật số 2” Jang Song-thaek dường như có liên quan đến mối bất hòa Trung-Triều, nhưng Bắc Kinh không phải là trường hợp cá biệt.
Cuộc thanh trừng ở Triều Tiên khiến cho các nước láng giềng cảm thấy vô cùng bất an.  
“Cơn địa chấn” Triều Tiên rúng động Đông Bắc Á
Nguồn tin ở Hàn Quốc nói nhiều quan chức cao cấp Triều Tiên từng ủng hộ Jang Song Taek đã chạy sang Trung Quốc. Theo nguồn tin này, khoảng 70 người đã chạy trốn. Những nguồn tin khác bác bỏ thông tin này, trong khi Bắc Kinh lại “im hơi lặng tiếng”.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Triều Tiên đều có “trò chơi chính trị” riêng.
Theo đài Tiếng nói nước Nga, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã lật ngửa ván bài bằng cách hành quyết chú dượng Jang Song-thaek.
Chuyên gia Konstantin Asmolov của Viện nghiên cứu Viễn Đông trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga giải thích: “Ông Kim Jong-un có hai mục tiêu chính: sự thịnh vượng của đất nước và bảo đảm an toàn cho chế độ hiện hành. Nạn tham nhũng ở Bắc Triều Tiên chắc đã cản trở đường lối này. Nạn tham nhũng là nguy cơ nghiêm trọng và… nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un có thể cho rằng vụ hành quyết Jang Song-thaek cũng như các vụ xử bắn hàng loạt sẽ cảnh cáo phần còn lại của đám quan chức tham nhũng”.
Trung Quốc “ngậm bò hòn làm ngọt”
Nhà phân tích Konstantin Asmolov của Viện nghiên cứu Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) nhận định trên đài Tiếng nói nước Nga: “Trong vụ này, Trung Quốc có lẽ là bên bị thiệt hại nhất. Ông Jang Song-thaek vốn là người gần gũi với Trung Quốc. Bắc Kinh từng coi ông này là một nhà lãnh đạo của phe cải cách. Họ đã nghĩ rằng ông Jang Song-thaek có thể đưa CHDCND Triều Tiên đi theo con đường cải cách theo kiểu Trung Quốc và giành lấy một phần quyền lực của Kim Jong-un. Tất nhiên, vụ hành quyết Jang Song-thaek đã giáng một đòn mạnh vào Trung Quốc. Hiện thời, Bắc Kinh không thể làm bất cứ điều gì vì cần phải duy trì sự ổn định ở CHDCND Triều Tiên giáp giới với Trung Quốc”.
Trong khi đó, báo Yomiuri của Nhật Bản số ra ngày 25/12 dẫn nguồn tin từ Trung Quốc cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình vô cùng bất mãn với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và cho rằng thời kỳ Trung-Triều “dùng máu đào viết nên tình hữu nghị” đã kết thúc.
Bình Nhưỡng đã xử bắn Jang Song-thaek vốn là một “cầu nối” mà Bắc Kinh lâu nay làm ăn khá thuận lợi và bất chấp thực tế là Bắc Kinh cung cấp một nửa lượng nhu cầu lương thực và 90% nhiên liệu của Triều Tiên.
Ông Jang được cho là người đứng đầu nhóm kinh tế tìm cách đưa thêm đầu tư Trung Quốc vào khu công nghiệp chung đang được phát triển tại một hòn đảo ở sông Yalu và đặc biệt là nâng cấp các cơ sở cầu cảng ở Rajin–Sonbong mà Trung Quốc thuê trong 50 năm.
Ấy thế mà,Tòa án quân sự đặc biệt của Bộ An ninh nhà nước đã buộc tội ông Jang “bán rẻ” tài nguyên quốc gia như than, gỗ và khoáng sản và cho “nước ngoài” thuê cảng Rajin-Sonbong.
Báo Yomiuri dẫn nguồn tin trong giới ngoại giao Bắc Kinh cho hay Bình Nhưỡng năm lần bảy lượt yêu cầu Trung Quốc bố trí để Kim Jong-un sang thăm nhưng Tập Cận Bình đều lắc đầu, quan chức Triều Tiên duy nhất mà Bắc Kinh tin tưởng là Jang Song-thaek. Nguồn tin ngoại giao này còn nói, việc Bình Nhưỡng thanh trừng Jang Song-thaek khiến Bắc Kinh vô cùng phẫn nộ và đã phái Tập đoàn quân số 39 của quân khu Thẩm Dương áp sát dãy Trường Bạch sát biên giới với Triều Tiên.
Hàn Quốc lo ngại Triều Tiên khiêu khích
Từng hy vọng Jang Song-thaek đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc cải cách kinh tế ở Triều Tiên, nhưng Hàn Quốc không thể lường được mâu thuẫn giữa Jang Song-thaek và Kim Jong-un lại lên đến mức đỉnh điểm, khiến nhà lãnh đạo trẻ phải xử bắn cả chú rể của mình.
Bây giờ thì Seoul không thể trông đợi vào bất kỳ thế lực "cải cách" nào ở Triều Tiên ngoài việc bắt tay với Kim Jong-un, dù chẳng ưa gì nhà lãnh đạo này.
Theo đài Tiếng nói nước Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản đều nhân vụ Kim Jong-un xử tử Jang Song-thaek để tăng đầu tư cho quân sự.
Các nhà phân tích ở Nhật Bản và Hàn Quốc giải thích cho rằng sau vụ hành quyết chú dượng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Bình Nhưỡng sẽ “gia tăng hành động khiêu khích và tiến hành một vụ thử hạt nhân mới”.
Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố Hàn Quốc sẽ “giáng trả đích đáng” mọi hành động khiêu khích của Triều Tiên.
Quá thất vọng, Tổng thống Nga ký sắc lệnh trừng phạt Triều Tiên
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã không làm gì để thúc đẩy các hiệp định Nga-Triều Tiên do cha ông là Kim Jong-il đã ký kết với Tổng thống Dmitry Medvedev hồi tháng 8/2011. Khi đó, Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng xem xét khả năng mở một tuyến đường sắt xuyên bán đảo Triều Tiên nối với vùng Siberia của Nga (TKR-TSR) và một đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Triều Tiên sang Hàn Quốc. Về phần mình, Nga đã xóa nợ cho Triều Tiên như một phần của thỏa thuận này.
Tuy nhiên, theo báo The Diplomat suốt 2 năm dưới thời Kim Jong-un, không có gì tiến triển liên quan đến các hiệp định này.
Sự thất vọng của Moscow đối với Bình Nhưỡng được thể hiện rõ nhất khi Tổng thống Vladimir Putin - tham dự diễn đàn APEC tại Bali, Indonesia - đã tuyên bố sẵn sàng xây dựng một đường ống dẫn khí đốt dưới đáy biển từ Nga qua Hàn Quốc mà không cần đi qua lãnh thổ Triều Tiên.
Về dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt xuyên quốc gia, ông Putin không hề nhắc tới sự tham gia của Bình Nhưỡng. Điều này báo hiệu sự thái độ bất mãn rõ rệt của Nga với Triều Tiên.
Một sự thay đổi đáng chú ý trong chính sách của Nga đối với Triều Tiên là việc Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh mở rộng lệnh trừng phạt Triều Tiên và đặt các nhà ngoại giao Bình Nhưỡng vào phạm trù "cực kỳ cảnh giác".
Với tầm ảnh hưởng to lớn và mối quan hệ mật thiết với quốc gia láng giềng hùng mạnh Trung Quốc, việc ông Jang Song-thaek bị xử bắn không khác gì một cơn “địa chấn chính trị” mà các đợt dư chấn trong năm 2014 sẽ còn làm rúng động bên trong cũng như bên ngoài lãnh thổ Triều Tiên.
Theo ĐS & PL