Đứng bên ngoài cửa lớp học ở Hồng Kông, cô bé 9 tuổi Charlotte Yan đang gắng sức học thuộc lòng bài phát biểu của bà Hillary Clinton hồi năm 2008 bằng một giọng Anh - Mỹ chuẩn.
“Hãy chắc chẳn rằng, chúng ta sẽ có một tổng thống, người có thể đưa đất nước quay trở lại con đường hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ”, bé Yan nói trong khi đang tập trung vào học cách phát âm trong đoạn phát biểu đó.
|
Bức ảnh chụp các em nhỏ đang trong giờ học tiếng Anh với giáo viên người Mỹ ở trường Nature EQ ở Hồng Kông.
|
Bé Yan là một trong số những đứa trẻ ở cựu thuộc địa của Anh này tham gia vào những lớp học để học cách nói tiếng Anh như một người Mỹ. Một số phụ huynh tin tưởng rằng, giọng Anh - Mỹ còn thích hợp hơn so với giọng của những nhà cựu lãnh đạo thời thuộc địa xưa kia của Hồng Kông.
Còn theo phía những gia sư ngoại ngữ, những gia đình đại lục giàu có đã mang con cái qua Hồng Kông vì họ muốn chúng có cơ hội tiếp cận nền giáo dục hiện đại trên thế giới. Điều này là một phần khiến cho tình trạng học tiếng Anh theo giọng Mỹ ở Hồng Kông ngày càng trở nên rầm rộ.
|
Các em nhỏ đang chăm chú xem bài đọc.
|
Trong suốt những ngày cuối tuần ở ngôi trường mang tên Nature EQ, cô bé Yan và những đứa trẻ được phân chia vào những lớp học và sau đó, chúng đồng thanh đọc các từ tiếng Anh và còn học thuộc lòng cả những bài thơ của nhà thơ người Mỹ Robert Frost. Bất kì của một lỗi sai nào trong cách phát âm của chúng đều sẽ được các giáo viên sửa lại.
Cậu bé 15 tuổi Mickey Ho cho biết, cậu quyết định nhập học trường này bởi cho rằng, giọng Mỹ có vẻ “quốc tế hơn” trong khi đó chàng trai 19 tuổi Sam Yu lại tham gia lớp học bởi những bộ phim Hollywood và những bộ phim truyền hình nổi tiếng ở Mỹ giúp khán giả “dễ hiểu và dễ học hơn”
“Em cho rằng, giọng Mỹ ngày càng trở nên quan trọng và có thể tiếp quản sự thống trị của tiếng Anh gốc, vì vậy em rất sẵn lòng đi học”, Yu chia sẻ.
Trường học Nature EQ ở khu vực Kowloon được thành lập từ 17 năm trước, ngay trước khi Anh trao trả Hồng Kông về cho Trung Quốc. Sau đó, chỉ có 40 học sinh ghi danh học tại trường, nhưng ngày nay, ngôi trường có tới 350 học sinh đăng kí, con số tối đa mà trường có thể đảm nhận.
Cách ngôi trường này không xa, hội thảo “American English Workshop” ở quận Tseung Kwan O cũng đang nhận được sự tham gia của hơn 180 học viên mỗi tuần. Trước kia, con số này chỉ là 20 người.
Hai ngôi trường trên chỉ là một trong khá nhiều trung tâm dạy học tiếng Anh bằng giọng Mỹ. Trong khi đó, ở trường công, những giáo viên người Anh sẽ dạy học cách phát âm cho học sinh.
Một trong những lí do khiến việc học tiếng Anh giọng Mỹ ở đây nở rộ là bởi khá nhiều người cho rằng, nói giọng Mỹ sẽ giúp họ có thêm nhiều cơ hội hơn trong sự nghiệp.
“Tôi cho rằng, với giọng Mỹ, nhiều người sẽ có thêm cơ hội làm việc ở những quốc gia phương Tây”, phụ huynh 50 tuổi Victor Chan thổ lộ.
|
Ngoài ra, chúng còn học cách phát âm thông qua việc đọc những bài thơ, hay bài phát biểu của những nhà lãnh đạo trên thế giới.
|
Cùng suy nghĩ đó, chuyên viên tư vấn tuyển dụng Adam Bell đồng ý rằng, một ứng viên có thể nói giọng Anh Mỹ thì điều đó sẽ giúp ứng viên dễ tìm việc hơn, nhất là công việc ở những doanh nghiệp Mỹ.
Các chuyên gia cho biết có nhiều dấu hiệu của một sự thay đổi trong nhận thức của những người Hồng Kông. Dường như trung tâm tài chính của châu Á này đã thay đổi khá nhiều so với quá khứ kéo dài 150 năm thuộc địa.
Tiến sĩ Qi Zhang từ Đại học thành phố Dublin cho biết, có bằng chứng về việc giọng Mỹ đang “bắt đầu thay thế” giọng Anh Anh bởi “văn hóa Mỹ ngày càng trở nên phổ biển”.
Quyền trưởng khoa tiếng Anh thuộc trường Đại học thành phố của Hồng Kông, tiến sĩ Rodney Jones chia sẻ với AFP rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa khi giọng Anh Mỹ ngày càng trở nên phổ biến ở đây. Nguyên nhân chính là bởi người dân có cơ hội tiếp xúc với nó nhiều hơn”.
|
Bất kì lỗi sai nào trong cách phát âm của các em cũng sẽ được giáo viên nhanh chóng sửa lại.
|
Dường như làn sóng này đã lan tới Trung Quốc. Nhà sáng lập trung tâm “Amercian English Workshop”, Tim Laubach đã phải tăng số lượng giáo viên từ một lên tám người kể từ khi mở cửa một năm trước nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân.
“Khi chúng tôi mở trung tâm lần đầu tiên vào một năm trước, lúc đó không có một học viên nào đăng kí. Bây giờ ít nhất 30% học viên ở đây đến từ đại lục. Chúng tôi hi vọng con số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai”, Tim cho biết.
Tuy nhiên, một số người lại không ủng họ trào lưu này. Đơn cử, tiếp viên hàng không 28 tuổi Riven Chan cho biết “Tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu người Hồng Kông học nói tiếng Anh bằng giọng của người Anh hay giọng của địa phương”.
Như ý kiến của ông Jones tới từ Đại học thành phố cho rằng, giọng Anh Anh sẽ vẫn còn phổ biển bởi “nhiều người ở đây luôn có hoài niệm về nước Anh”.
Thanh Nga (Theo Huffington Post)